Nhiều phụ huynh cho biết, ngay khi vừa kết thúc năm học, nhà trường đã có những bộ sách giáo khoa cho năm học tới để giới thiệu đến các phụ huynh. Điều đáng nói, khi sách này tới được tay học sinh, thì đơn vị cung cấp sách cũng trích một số tiền "kha khá" gọi là tiền "lại quả" gửi về cho phòng giáo dục hoặc trường - nơi tiêu thụ sách của đơn vị cung cấp....
Vở in logo của một trường tiểu học ở Hà Nội. |
Có hay không chuyện nhập nhèm?
Có mặt tại trường tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong những ngày tháng 9, khi năm học mới đã bắt đầu được hai tuần, chúng tôi đã hỏi một phụ huynh là gia đình mua sách giáo khoa cho con em mình ở nhà sách hay từ nhà trường thì chị Lê Hồng D. có con đang học lớp 1 tại trường cho biết: "Ngay từ cuối năm học, nhà trường đã có thông báo là có sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục bán theo bộ, vì thế khuyến khích phụ huynh mua sách cho con. Tuy nhiên, khi tôi đến hỏi thì cô giáo chủ nhiệm nói là nên mua vì đây là sách của Nhà xuất bản uy tín. Con tôi về cũng bảo là, cô giáo chủ nhiệm bảo nên mua sách do cô phát mới... đồng bộ với các bạn được, thế là gia đình "tặc lưỡi" mua thôi".
Chị D. cho biết, bộ sách lấy từ trường về ngoài các sách giáo khoa ra thì cũng có cả sách tham khảo đính kèm, giá được bán bằng giá niêm yết ngoài bìa sách, tuy nhiên chị D. cho biết, cách "lập lờ" đưa sách tham khảo vào bộ sách giáo khoa cũng là cách "kiếm tiền" rất ngọt từ phía công ty cung cấp sách và nhà trường bởi hai đơn vị này cũng có những quy định "ngầm" mà không phải ai cũng biết được. Trong vai nhân viên đi mở rộng thị trường của một nhà sách, chúng tôi có mặt tại trường tiểu học T.T (quận Đống Đa, Hà Nội), nhưng bà Hiệu trưởng trường này cho chúng tôi biết: "Nhà trường không có nhu cầu mua sách giáo khoa từ đơn vị ngoài, vì hàng năm, sách giáo khoa đi theo đường của phòng giáo dục rồi...".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay vào trường tiểu học bằng hai đường: Các công ty, đơn vị cung cấp sách thường làm việc trực tiếp với trường, hoặc sách sẽ chuyển về từ phòng giáo dục rồi phân về các trường theo số lượng. Sách giáo khoa khi được chuyển về trường có mức chiết khấu từ 7 - 9\% tùy số lượng sách được lấy về, nếu lấy nhiều mức chiết khấu sẽ được ưu đãi hơn. Còn sách tham khảo mới là "hàng khủng": Từ 12 - 20\% tùy quyển, tùy theo từng nhà xuất bản.
Một phụ huynh có con học trường tiểu học B. (thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết:
"Chuyện "lập lờ ở các khoản thu từ nhà trường, như tiền phần trăm sách giáo khoa tôi nghĩ không phải là không có. Trường này nhiều phụ huynh cũng rất bức xúc trước việc cô Hiệu trưởng M.A thường bao che cho các giáo viên mở lớp dạy thêm, học thêm tại nhà, rồi sau đó, dặn các em là nếu ai hỏi, thì bảo không phải là đi học thêm, chuyện "nhập nhèm" thế còn có thể xảy ra thì việc có chiết khấu các khoản khác có lẽ cũng có. Tuy nhiên, phụ huynh cũng phải chịu, nói ra thì sợ con mình bị "nọ kia"...".
Tiết lộ về "phần ăn chia" của một chủ cửa hàng sách
Chị Lê Thu Q. - chủ một cửa hàng sách trên phố Lý Thường Kiệt thông tin thêm cho chúng tôi: "Cửa hàng của chị là đại lý bán sách lấy sách từ các công ty phát hành sách thì mức chiết khấu đối với sách giáo khoa của nhà xuất bản A. ở Hà Nội là 7 - 9\%; sách tham khảo là từ 20 - 25\%, nếu sách tham khảo của các nhà xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ có khi chiết khấu 40 - 45\%. Còn vấn đề chiết khấu về nhà trường thế nào tôi cũng không tường tận song chắc là có, vì đây là dịch vụ làm ăn, kinh doanh thuận mua vừa bán mà".
Một cô giáo tiểu học xin được giấu tên cho biết: "Các công ty sách cũng có mối quan hệ khá tốt với các phòng giáo dục sở tại, cách làm này khá hay và hiệu quả vì sách có thể đưa về các trường tiểu học tại một văn bản “ngầm” với nhau mà nhiều trường tiểu học không theo, không được. Cách chuyển sách giáo khoa về như thế nào thì chiết khấu phần trăm là phòng hưởng, ban giám hiệu nhà trường không được hưởng phần trăm. Vở viết in logo cũng chiết khấu vậy, nếu phòng giáo dục đứng ra làm "đầu mối" chuyển vở in về thì phòng hưởng. Ví dụ nếu lấy số lượng 100 quyển vở in logo là 3.000 đồng, nhưng nếu lấy số vở trên 100 quyển thì giá chỉ 2.700 đồng, nếu lấy trên 1.000 quyển vở thì giá chỉ 2.300 đồng, nhưng khi bán cho học sinh vẫn là giá 3.500 đồng, đấy là chiết khấu của các công ty sách, vỏ in chuyển về cho phòng giáo dục, ban giám hiệu nhà trường.
Theo chúng tôi được biết, một số sách giáo khoa tham khảo được học ở buổi hai (buổi chiều) thì thường được "trên" ép về. Chị Lê S. - một cán bộ làm việc trong trường tiểu học cho biết, cũng có chuyện đầu năm học mới, phòng giáo dục chuyển công văn về, yêu cầu thư viện, học sinh trường bổ sung các loại sách tham khảo và lấy qua đường chuyển từ phòng giáo dục về. Các hiệu trưởng đồng ý cho trường lấy với tính chất ngoại giao, chứ không được công ty sách chiết khấu, vì mức chiết khấu công ty cung cấp sách đã chuyển theo "kênh khác".
Bộ Giáo dục & Đào tạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu Trong khi báo Đời Sống và Pháp Luật đăng loạt bài về các loại phí trong nhà trường, bộ Giáo dục & Đào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, sẽ có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở Giáo dục & Đào tạo phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học đảm bảo đúng các quy định hiện hành. Đối với các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức xã hội hóa để góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, hỗ trợ các hoạt động giáo dục phải thực hiện theo Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân… Đặc biệt, có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục trái quy định. Phụ huynh thì rất "nghe lời" giáo viên... Lê Văn T. nhân viên nhà sách trên phố Giảng Võ, Hà Nội cho biết: "Cái gì đưa vào trường học bây giờ cũng được trích phần trăm chị ạ. Sách giáo khoa, sách tham khảo, vở in, đồng phục học sinh... Thậm chí có những loại sách tham khảo được chiết khấu bằng nửa giá ghi bìa sách ấy. Mà phụ huynh thì rất "nghe lời" giáo viên, cô nói gì cũng phải nghe nấy, rất ít người ý kiến. Tôi còn được biết, Hội trưởng hội Phụ huynh ở một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội còn có mối quan hệ mật thiết với ban giám hiệu các trường. Trước khi họp phụ huynh, thì Hội trưởng hội Phụ huynh đã có buổi họp trước với ban giám hiệu để thông qua các khoản thu, khoản đóng góp và Hội trưởng sẽ kêu gọi phụ huynh cùng đóng góp theo "ý" của nhà trường nên việc bán sách giáo khoa, đồng phục tại trường rất dễ được phụ huynh đồng ý mua theo giá trường đưa ra...". Yêu cầu học sinh phải dùng vở có... logo Theo thông tin chúng tôi có được, ngoài việc đưa sách giáo khoa vào trường để bán cho các em học sinh, thì việc in logo tên trường lên vở viết cho các học sinh cũng là một hiện tượng không còn mới. Chị Lê Thu Q. cho biết: "Hiện nay việc in logo của nhà trường lên vở in cho các em học sinh là khá phổ biến, có nhà trường còn yêu cầu các em phải dùng vở do nhà trường bán ra, nếu không sẽ bị trừ... điểm thi đua. Vở in logo bán cho các em học sinh thường là vở có chất lượng giấy không được tốt, hay bị nhòe, thế nhưng, trường vẫn khuyến khích các em dùng cho đồng bộ. Ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo ra, thì chiết khấu từ tiền in vở logo cũng là con số làm "hài lòng" ban giám hiệu một số trường tiểu học". |