Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự thảo quy định sinh viên bán dâm lần 4 bị đuổi học: Lộn xộn, thiếu logic, thiếu khoa học

(DS&PL) -

Theo luật sư, dự thảo luật quy định sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 bị phát hiện sẽ buộc phải thôi học có nhiều nội dung không phù hợp.

Theo ý kiến của luật sư, dự thảo luật quy định sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 bị phát hiện sẽ buộc phải thôi học có nhiều nội dung không phù hợp, có thể dẫn đến hoạt động mại dâm thêm phức tạp.

Mới đây bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo lấy ý kiến về Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên, trong đó bổ sung quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học. Mặc dù, bộ GD&ĐT đã rút dự thảo này để bổ sung sau khi vấp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận, tuy nhiên theo giới Luật sư, việc xây dựng thông tư của Bộ cần chặt chẽ hơn.

Dự thảo còn chồng chéo

Luật sư Nguyễn Công Thành, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà bộ GD&ĐT đưa ra có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác và một số nội dung còn chưa đúng với chính sách, pháp luật Việt Nam hiện nay.

Dự thảo luật trong đó nội dung quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học nhận được sự quan tâm của dư luận (ảnh minh hoạ).

Cụ thể, trong Dự thảo Thông tư ban hành kèm theo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác như: Đánh bạc trái phép; Tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy hoặc tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép; Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ lôi kéo người khác sử dụng ma túy; Chứa chấp, môi giới mại dâm, hoạt động mại dâm; Chứa chấp, buôn bán vũ khí, chất nổ và hàng cấm theo quy định của Nhà nước; Lấy cắp tài sản, chứa chấp, tiêu thụ tài sản do lấy cắp mà có; Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia; Có hành động quấy rối, dâm ô…

Tất cả những hành vi mô tả nêu trên là dùng phương pháp liệt kê một số hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lí hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những hành vi được nhặt nhạnh, mô tả nêu trên không bao quát hết các hành vi vi phạm pháp luật mà lứa tuổi sinh viên có thể vi phạm và phần lớn các hành vi thuộc nhóm hành vi là các tệ nạn xã hội.

Bởi vậy, nội dung này không nên sử dụng phương pháp mô tả, liệt kê mà nên tổng hợp, đánh giá theo mức độ xử lí (hành chính hoặc hình sự). Ví dụ: Sinh viên vi phạm pháp luật về các tệ nạn xã hội đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính thì mức kỉ luật là… Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan tới tệ nạn xã hội thì mức hình thức kỉ luật là…

Kết cấu, kỹ thuật lập pháp như vậy sẽ khoa học, logic và phù hợp với các quy định pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Dự thảo luật dễ gây hiểu lầm, khó áp dụng (ảnh minh hoạ).

Nếu để cách mô tả, kết cấu như dự thảo sẽ dẫn đến nhiều người hiểu lầm là vi phạm pháp luật như vậy (đánh nhau, đánh bạc, mại dâm, dâm ô, tàng trữ, sử dụng ma túy, sử dụng vũ khí quân dụng, xâm phạm an ninh quốc gia…) chỉ bị kỷ luật, cùng lắm bị đuổi học chứ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Lo ngại hoạt động mại dâm thêm phức tạp

Theo luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội), dự thảo này còn sử dụng nhiều thuật ngữ pháp luật không đúng, không phù hợp như:

- “Lấy cắp tài sản”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do lấy cắp mà có” ngôn ngữ pháp luật là “trộm cắp tài sản”, “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

- “Đưa phần tử xấu vào trong trường” là cụm từ gây tranh cãi: Thế nào là phần tử xấu? Hành vi “đưa vào” là thế nào?

- “Viết truyền đơn” sẽ bị kỷ luật, nhưng nếu như “đánh máy”, “pho to” truyền đơn thì có bị xử lý không?

- Sau một loạt liệt kê lộn xộn, thiếu logic, thiếu khoa học và lẫn lộn các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì thêm một dòng là “27. Các vi phạm khác”, cách bố cục, kỹ thuật lập pháp như vậy rất dễ gây tùy tiện hoặc lạm quyền, tiêu cực khi xử lí về các hành vi “vi phạm khác” mà Quy chế chưa mô tả, liệt kê hết.

Ngoài ra, có 2 hành vi đưa vào Dự thảo là: “Chứa chấp, môi giới mại dâm” và hành vi “Hoạt động mại dâm” đến lần thứ 4 (bị phát hiện) sẽ buộc thôi học. Quy định như vậy sẽ vô hình trung là cho phép sinh viên được bán dâm, mua dâm… miễn sao không bị phát hiện tới lần thứ 4 thì sẽ không bị buộc thôi học, khi bị phát hiện không quá 3 lần thì “yên tâm” học tiếp để trở thành cô giáo.

"Trước tình trạng mại dâm bùng nổ trong giới người đẹp, sinh viên như hiện nay thì quy định này chẳng khác nào “vạch đường cho hươu chạy”, sẽ làm cho người ta tin rằng sinh viên bán dâm là hoàn toàn có thể xảy ra, những mác sinh viên bán dâm sẽ được chào mời, quảng cáo sẽ càng làm hoạt động mại dâm phức tạp", vị luật sư quan ngại.

Đặng Thủy

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật