Trong nhóm các mục tiêu nêu rõ, đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan. Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của cơ quan Hải quan đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, ngành Hải quan tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có tính gắn kết chặt chẽ, thống nhất.
Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.
Đồng thời, ngành Hải quan tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu; tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Ngành Hải quan Việt Nam đặt nhiều mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan…
Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược. Trong đó, Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan quan tâm đến việc đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp (cấp tổng cục, cấp vùng và cấp chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh.
Tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng mỗi hải quan vùng chỉ có một địa điểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động gia công, sản xuất của doanh nghiệp do chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện.
Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức hình thành các trung tâm chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); trung tâm phân loại hàng hóa; trung tâm quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; trung tâm kiểm tra hồ sơ hải quan.
Ngành Hải quan sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp cho Hải quan Việt Nam thực hiện hiệu quả mô hình hải quan thông minh đề ra tại Dự thảo Chiến lược Hải quan Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh tế, tạo thuận lợi thương mại.
Xây dựng hình ảnh Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp trên trường quốc tế
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chính sách thương mại có những thay đổi lớn theo xu hướng bảo hộ, cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam là những yếu tố tác động rất lớn đến nền kinh tế. Để đảm bảo thực hiện các cam kết về tự do và tạo thuận lợi cho thương mại tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Hải quan Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong bức tranh chung về tạo thuận lợi và đảm bảo an ninh, thương mại hợp pháp.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành Hải quan đặt mục tiêu thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực chất công tác hợp tác và hội nhập, xây dựng hình ảnh Hải quan Việt Nam đẹp, chuyên nghiệp trên trường quốc tế, có vị thế và vai trò được khẳng định trên các diễn đàn hội nhập đa phương. Mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước nhằm tận dụng tối đa thế mạnh của các nước trong việc hỗ trợ thực hiện các nhu cầu thực tiễn của Hải quan Việt Nam.
Theo đó, trong Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030, ngành xác định phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các Bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các Bộ, ngành và các bên có liên quan tham gia chuỗi dây chuyền cung ứng thương mại và cung cấp nền tảng cung cấp dịch vụ trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) trong dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế và các dịch vụ khác như thanh toán, nộp lệ phí,...
Nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia và ASEAN đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi thông tin với Hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới theo quy định tại các Hiệp định thương mại tự do và các Hiệp định mà Việt Nam ký kết theo đúng lộ trình, bao gồm: Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, NewZealand,...
Nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác và hội nhập hải quan tại các khuôn khổ ASEAN, WTO, APEC, ASEM, WCO, GMS… thông qua việc chủ động, tích cực nghiên cứu, khởi xướng và tham gia điều chỉnh và xây dựng các quy tắc và luật lệ tại các tổ chức và diễn đàn này trên cơ sở các định hướng chung về hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn này.
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các nước đối tác, chú trọng các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước bạn bè truyền thống thông qua việc đàm phán, xây dựng các khuôn khổ pháp lý chính thức cho các hoạt động hợp tác song phương với hải quan với các nước. Triển khai nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác với các nước đã thiết lập hành lang pháp lý như Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia…, từng bước mở rộng hoạt động hợp tác với các nước tại các khu vực có tiềm năng phát triển trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc, đảm bảo việc hợp tác đi vào chiều sâu và mang lại lợi ích thực chất cho mục tiêu quản lý hải quan của Việt Nam.
Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan cũng nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia, đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó chú trọng đến các cam kết trong khuôn khổ ASEAN, WTO và các FTA, các hiệp định đối tác, hợp tác kinh tế mà Việt Nam đã ký kết, đảm bảo tuân thủ lộ trình thực hiện, đáp ứng đầy đủ nội dung và mức độ đã cam kết.
Cuối cùng là tranh thủ sự hợp tác, khai thác các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm quản lý hải quan tiên tiến để đóng góp cho tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và công tác thực thi pháp luật hải quan, đồng thời phát triển nguồn nhân lực của Hải quan Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiệu lực hiệu quả.
Thanh Tâm