(ĐS&PL) Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco 2) đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận trên nhiều bình diện.
Thưa ông, là một dự án lớn nên việc Tisco 2 được điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) từ 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng chắc chắn đòi hỏi cả một quy trình, là người trực tiếp phụ trách khi đó, ông có thể nói về bối cảnh dẫn đến việc này?
- Việc xem xét Tisco 2 cần phải có cách nhìn đánh giá khách quan, trong toàn bộ sự vận động của sự việc đã xảy ra kéo dài hơn chục năm trước.
Trong những năm 2007-2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới nên giá cả vật liệu xây dựng tăng đột biến ngoài tầm kiểm soát của các chủ đầu tư và nhà thầu. Không riêng Tisco 2, trong giai đoạn này, một số địa phương (Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội..) và một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc triển khai các gói thầu xây lắp với hình thức giá trọn gói và đã gửi văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý. Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do có biến động bất thường về giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng
Nói thế để thấy với một dự án lớn như Tisco 2 việc tăng vốn không hề đơn giản. Trước tiên phải xác định đó là lựa chọn bất khả kháng và phù hợp với yêu cầu thực tế để tháo gỡ cho một dự án gần 4.000 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ không thể triển khai được. Đó là lý do sau khi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) đã phê duyệt TMĐT điều chỉnh theo thẩm quyền, Bộ Công thương đã trình Văn bản số 88/BC-BCT ngày 26/8/2014, trong đó nêu rõ nội dung TMĐT điều chỉnh lên trên 8.100 tỷ đồng tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Và kết quả là Chính phủ và các Bộ, ngành đã thống nhất, ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2014 đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương.
Việc điều chỉnh là bắt buộc, thưa ông?
- Chính xác, như đã nói lúc đó giá cả nguyên vật liệu đầu vào nói chung đều biến động mạnh, đây là điều kiện bất khả kháng. Với chi phí như thế mà chúng ta giữ nguyên TMĐT như cũ là không thực tế, không nhà thầu nào làm nổi.
Thời điểm đó việc này có được sự đồng thuận của các cơ quan liên quan không, thưa ông?
-Trong toàn bộ hồ sơ vụ việc điều chỉnh TMĐT, không có văn bản của Bộ, ngành nào phản đối, cụ thể như sau: Văn bản của Bộ Xây dựng “...Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc điều chỉnh TMĐT dự án TISCO giai đoạn 2”; Văn bản của Bộ Tài chính “Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là cần thiết… , giao Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả của Dự án.”; Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nội dung là: Theo quy định của Luật số 38/2009/QH12 thì Dự án chỉ được điều chỉnh trong trường hợp bất khả kháng khác hoặc đối với trường hợp khác theo quy định của Chính phủ… Đối với dự án nêu trên, đề nghị Hội đồng quản trị VNS xem xét phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh phù hợp quy định hiện hành và đảm bảo hiệu quả kinh tế của Dự án.
Nói cho cùng nếu các Bộ có ý kiến khác thì làm sao tập thể Chính phủ có thể ban hành Nghị quyết 64/CP nói trên.
Tuy quan điểm chung là vậy nhưng việc tăng vốn phải dựa trên cơ sở tính hiệu quả của dự án, nội dung này khi đó được tính toán sao, thưa ông?
Về tính hiệu quả thì việc tăg vốn đã được Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) thẩm định, rà soát lại 2 lần và kết luận dự án có hiệu quả kinh tế với IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) đạt 16%. Điều đó cũng phù hợp với thực tế khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng sản phẩm phôi thép (đầu ra của dự án) trên thị trường cũng tăng rất mạnh. Sau đó vào tháng 12/2015, Viện Kinh tế Bộ Xây dựng đã thực hiện thẩm tra TMĐT điều chỉnh (lần 2) của Tisco 2 và kết luận: Dự án có hiệu quả về tài chính, các chỉ tiêu về tài chính ở mức chấp nhận được.
Nếu hiệu quả như ông nói thì vì sao quy trình cho tăng vốn lại giờ đây lại có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau?
-Trình tự thực hiện rất đúng quy định, mọi văn bản pháp lý vẫn còn nguyên đó. Thực tế là sau khi các Bộ có ý kiến, Văn phòng Chính phủ có văn bản tham mưu nhưng Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khi đấy cũng rất cẩn trọng là chỉ giao cho VNS thực hiện điều chỉnh TMĐT theo luật định. Có lẽ về phương diện quản lý nhà nước cũng cần nói thêm điểm này là mọi việc, dù phức tạp đến thế nào, cuối cùng cũng cần có ý kiến kết luận. Bởi lẽ chúng ta sinh ra bộ máy quản lý là để làm việc đó, nếu lảng tránh hết thì sự thể sẽ đến thế nào?
Nếu như ông vừa giải thích thì việc VNS chủ động tăng vốn là nằm trong quy định hiện hành?
-Cái đó là hiển nhiên, VNS là doanh nghiệp nên họ hoạt động theo luật pháp về doanh nghiệp và luật pháp về đầu tư, thẩm quyền phê duyệt TMĐT điều chỉnh là chủ đầu tư và họ chịu trách nhiệm trước đồng vốn của mình.
Ở đây cũng cần phải nói rõ khi có ý kiến cho rằng khối tài sản của dự án 8.100 tỷ đồng đã “bốc hơi”. Tôi xin khẳng định là không có chuyện đó. Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị thanh toán cho dự án là hơn 4.400 tỷ đồng, trong đó đã thanh toán cho nhà thầu 92% và cũng trên 90% hạng mục xây dựng, trang thiết bị đã về đến công trường (điều này tôi xin trích chính từ Kết luận TTCP) nên không thể nói mất trắng 8.100 tỷ đồng. Thực tế, chủ đầu tư cũng chưa thanh toán một đồng nào từ nguồn vốn TMĐT điều chỉnh.
Trước thực trạng như hiện nay, theo ông Tisco 2 cần cú huých nào để có thể “đứng dậy”?
Nhìn lại có thể nói trong suốt quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn khách quan đem lại và những chủ trương, giải pháp của Chính phủ, của các Bộ, ngành là việc xử lý, tháo gỡ, là phương án tốt nhất và cần thiết vào lúc đó. Tôi có thể khẳng định, định hướng đó vẫn đúng và cần thiết cho đến tận thời điểm hiện tại này.
Còn giờ đây, cơ hội để “tái sinh” là ở phía trước. Tôi xin nhấn mạnh hiện tại đang lãng phí do chậm xử lý. Vì thế hãy để các nhà đầu tư tâm huyết tiếp nhận dự án như đề nghị của Đại hội đồng cổ đông TISCO (đề nghị sớm thoái hết vốn nhà nước tại dự án), để doanh nghiệp tư nhân tiếp quản và phát huy hiệu quả của dự án.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt