Sáng 28/8, phát biểu khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ hội nghị sẽ xem, cho ý kiến vào 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Theo dự kiến ban đầu, 9 dự án luật được cho ý kiến tại hội nghị gồm: Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nhà ở (sửa đổi); Tài nguyên nước (sửa đổi); Viễn thông (sửa đổi); Căn cước công dân (sửa đổi); Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tuy nhiên, do Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự án luật khó, nhiều nội dung cần được cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu nên chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 vừa qua.
Dự kiến, dự án luật này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9 sau đó sẽ lấy thêm ý kiến đại biểu chuyên trách bằng hình thức phù hợp, theo Chủ tịch Quốc hội.
Phiên họp sáng 28/8 của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: Báo Đầu tư
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là hội nghị có số lượng nội dung lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cũng là những dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, đây là các dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội.
Có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, do đó cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng.
Gợi mở và nhấn mạnh một số vấn đề, ông Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung rà soát để làm rõ việc các dự án luật đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng hay chưa.
Bên cạnh đó, đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa?
Vấn đề quan trọng nữa là xem xét tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là những dự án luật liên quan chặt chẽ với nhau. Như các dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…
Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến khác nhau trong từng cơ quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tốt nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc sáng 28/8. Ảnh: Tuổi trẻ
Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý quan tâm điều khoản áp dụng, điều khoản chuyển tiếp vì "nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện".
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt quan điểm chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
"Không được để quy phạm pháp luật có sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý, tạo cơ chế xin - cho, cài cắm lợi ích; còn đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp", ông Huệ nói và yêu cầu cần rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo luật.
XEM THÊM: Đổi tên thẻ "căn cước công dân" thành thẻ "căn cước" là phù hợp, không phát sinh thủ tục, chi phí
Một lần nữa nhấn mạnh quy trình xây dựng pháp luật phải hết sức kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định kiên trì thực hiện để "không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình thỏa đáng".
Ông Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.
Việt Hương (T/h)