(ĐSPL) – Bán thuốc không hóa đơn, thuốc không visa, thuốc lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ…, có loại mà ngay cả dược sĩ với thâm niên công tác trên 30 năm cũng chưa thấy bao giờ.
Nhà thuốc Nhật Quang (53 Văn Miếu - Hà Nội) |
Gần đây, báo Đời sống và Pháp luật có nhận được thông tin độc giả phản ánh về việc Nhà thuốc Nhật Quang (địa chỉ tại 53 Văn Miếu – Đống Đa - Hà Nội) hoạt động có nhiều dấu hiệu bất minh như có nhiều loại thuốc được nhập về không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có nhiều loại mà chưa từng nhìn thấy trên thị trường.
Độc giả cũng cho biết, bên trong Nhà thuốc có cảnh cửa bí mật thông với phòng vệ sinh là nơi cất chứa hàng trăm loại thuốc “lạ” mà chủ cơ sở luôn yêu cầu nhân viên bán cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân khổ sở vì bệnh tật nay lại tiêu tốn số tiền không nhỏ cho những loại thuốc mà tác dụng điều trị chưa hề được kiểm chứng.
Lần theo phản ánh trên, PV báo Đời sống và Pháp luật đã bí mật điều tra tại cơ sở này. Trong vai người bệnh, PV đã đến đặt mua 3 trong số hàng trăm loại thuốc được độc giả phản ánh là "dởm" như Rodogyl, Augmetin 625mg, Augmetin 1000mg. Khi PV hỏi mua thì được 1 người đàn ông xưng là chủ nhà thuốc cùng 2 nhân viên (1 nam, 1 nữ) hướng dẫn tận tình.
Biệt dược Rodogyl loại màu trắng do nhà thuốc Nhật Quang bán với giá gần 130 ngàn đồng/vỉ. Nhiều dược sĩ cho biết chưa nhìn thấy loại này bao giờ. Loại màu hồng là Rodogyl của Pháp đã hết visa từ lâu. |
Sau đó, đúng như độc giả cho hay, nhân viên nhà thuốc này đã mở cửa “mật” thông với phòng vệ sinh rồi lấy 3 loại thuốc trên mang tới. Theo những nhân viên ở đây, đây là thuốc Rodogyl ngoại (kháng sinh răng) có nguồn gốc từ Pháp bán với giá gần 130 ngàn đồng/vỉ/10 viên. Loại Augmetin BID 1000mg va Augmetin BID 625mg có giá gần 15 ngàn đồng/viên. Tổng cộng chỉ với 14 viên thuốc hết 200 ngàn đồng.
Sau khi báo giá và cho PV xem thuốc, nhân viên cửa hàng thuốc Nhật Quang cũng không quên "quảng cáo" rằng 3 loại thuốc này đều là kháng sinh có tác dụng tốt trong điều trị dạ dày, thận, đau răng…
Xem video:
Để làm rõ vấn đề thực hư về thuốc "dởm" như phản ánh, PV tiếp tục tìm đến một nhà thuốc trên phố Văn Miếu, gặp chủ nhà thuốc và một trình dược viên. Tại đây, khi PV hỏi mua 3 loại thuốc như trên thì cả 2 người cho hay, loại thuốc Rodogyl sản xuất từ Pháp đã hết visa nhập cảnh vào Việt Nam từ khá lâu. Với 2 loại Augmetin BID 1000mg và 625mg thì họ cũng chưa được thấy.
Tiếp tục tìm đến nhà thuốc tại bệnh viện E Trung ương, khi PV đưa ra 3 loại thuốc vừa mua được, nhân viên ở đây cũng cho hay loại thuốc đã quá visa, đồng thời khẳng định chưa nhìn thấy loại thuốc Rodogyl nhập từ Pháp mà lại có màu trắng như trên vỉ thuốc, bởi theo nhân viên này Rodogyl loại này phải có màu hồng. Đối với 2 loại Augmetin BID 1000mg và 625mg, nhân viên tại đây cũng khẳng định chưa nhìn thấy mẫu thuốc này.
Trao đổi với PV, Dược sĩ Nguyễn Thị Việt, với trên 30 năm công tác từng tiếp xúc với nhiều loại thuốc cũng cho biết chưa từng thấy các loại thuốc này. Tuy nhiên, theo dược sĩ Việt, để biết đây là thuốc thật hay thuốc “dởm” thì cần phải có sự kiểm nghiệm của các ngành chức năng.
Theo tìm hiểu của PV, Rodogyl là loại biệt dược phối hợp spiramycine, kháng sinh họ macrolide và métronidazole, kháng sinh họ 5-nitroimidazole, đặc trị các bệnh nhiễm trùng răng miệng.
Tuy nhiên, khi dùng rodogyl người bệnh cần phải tuyệt đối tránh với bệnh nhân quá mẫn cảm với imidazole và/hoặc spiramycine và/hoặc tá dược đỏ cochenille A, bệnh nhân quá mẫn cảm hoặc không dung nạp với gluten, vì có sự hiện diện của tinh bột mì (gluten). Nhất là cấm dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú và không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi (do dạng bào chế không thích hợp).
Với Augmetin là loại thuốc chống nhiễm khuẩn đường hô hấp, viên da..., thông thường trên nhãn thuốc không kèm theo chữ BID. Tra trên Internet, PV cũng không thấy bất kỳ hướng dẫn hay thông tin bằng tiếng Việt về loại thuốc này.
Cả 2 loại thuốc đều phải được bán theo đơn, thế nhưng nhà thuốc này lại bán tùy tiện cho người bệnh. Mặc dù vậy, theo phản ánh của độc giả, nhà thuốc này vẫn còn rất nhiều loại thuốc “lạ” khác như Nexium 200mg, 40mg; Zinnat 500mg, Glucosamin…, đang được cất giấu và bán cho người bệnh mỗi khi có dịp.
Một người từng làm nhân viên bán thuốc tại nhà thuốc Nhật Quang cũng tiết lộ với PV báo Đời sống và Pháp luật rằng, khi thấy thuốc "lạ" nhân viên này hỏi thì được chủ nhà thuốc nói là hàng xách tay. Người này cũng cho biết, luôn luôn được chủ nhà thuốc dặn dò phải khóa cánh cửa "mật" cẩn thận để tránh lực lượng chức năng.
Một số hộp thuốc đựng trong kho thuốc "mật" của nhà thuốc này được cho là "lạ" so với những mẫu thuốc bán trên thị trường hiện nay:
Việc nhà thuốc vô tư bán thuốc cho người bệnh mà không cần hóa đơn, đơn thuốc, thuốc "lạ" không rõ nguồn gốc quả thực là một vấn đề gây lo lắng và bức xúc. Bởi những người dân không may đau ốm đã phải lo điều trị nay lại lo mua phải thuốc "dởm".
Trước thông tin trên, người dân cần được các ngành chức năng, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế giải đáp về số thuốc "lạ" tại nhà thuốc này và cả thị trường thuốc nói chung.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...