Cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán hàng năm, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép lại xảy ra hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Công an tỉnh này liên tiếp phát hiện xử lý hàng loạt vụ vận chuyển pháo nổ trái phép với phương thức và thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, do lợi nhuận rất lớn cho nên các đối tượng vẫn nhập lậu pháo và tuồn vào thị trường trong nước với số lượng lớn.
Liên tiếp phát hiện pháo lậu
Ngày 26/11, một lãnh đạo Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết, sắp tới, lực lượng chức năng địa phương sẽ thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, truy bắt các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo lậu.
Trước đó, tại huyện Quảng Ninh, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an huyện phối hợp đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và Đồn Công an Nam Long phát hiện và bắt quả tang đối tượng Lê Minh Khoa (SN 1973), trú tại thôn Đức Thắng, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, đang có hành vi vận chuyển 24 hộp pháo, có trọng lượng 32kg để giao đối tượng Lê Mạnh Tùng (SN 1990), trú tại thôn Tân Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Cùng thời điểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Ninh đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượngLê Minh Khoa và Lê Mạnh Tùng thu giữ thêm 69kg pháo các loại và 0,5m3 gỗ không rõ nguồn gốc. Cùng trong một ngày, tại địa phận thôn Đắc Thắng, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát về pháo trên địa bàn, lực lượng phối hợp Công an huyện Quảng Ninh do đội CSGT chủ trì đã phát hiện 1 đối tượng điều khiển xe mô chở phía sau 01 bao tải có biểu hiện nghi vấn. Khi phát hiện thấy tổ tuần tra thì đối tượng đã vứt bao tải và bỏ chạy.
Nhóm thanh niên bị tạm giữ vì vận chuyển pháo lậu. Ảnh: Internet |
Kiểm tra bên trong bao tải do đối tượng vứt lại tại hiện trường phát hiện có 24 hộp pháo, với trọng lượng 32kg. Hiện vụ việc, đối tượng vẫn đang được Công an huyện Quảng Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ và lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Mới đây, chỉ trong một ngày, Công an huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã bắt quả tang 2 vụ vận chuyển pháo trái phép trên địa bàn.
Theo đó, vào lúc 12h45 ngày 19/11, tại khu vực thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an huyện phát hiện, bắt giữ Nguyễn Văn Tiến (SN 2002) điều khiển xe mô tô chở theo Hoàng Văn Đạt (SN 2002) cùng trú tại xã Mai Thủy, đang có hành vi vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 10 hộp pháo, trọng lượng khoảng 14kg. Sau đó gần 1 tiếng đồng hồ, cũng qua quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an huyện Lệ Thủy tiếp tục bắt quả tang Lê Thuận Dương (SN 2003) điều khiển xe máy điện chở theo Trần Bùi Tân Hưng (SN 2004) cùng trú tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy đang vận chuyển trái phép 4 hộp pháo với trọng lượng khoảng 5,6kg.
Qua đấu tranh, khai thác, bước đầu các đối tượng khai nhận cùng mua số pháo trên từ 1 người không quen biết ở xã Hưng Thủy, đang vận chuyển thì bị lực lượng công an bắt giữ. Vào 2h ngày 18/11, tại khu vực đường liên thôn thuộc địa phận thôn Hà Trang, xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa, qua công tác tuần tra kiểm soát, tổ công tác thuộc Công an huyện Tuyên Hóa, phát hiện và bắt giữ Đoàn Thanh Hải (SN 1992), thường trú thôn Mã Thượng, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, điều khiển xe mô tô BKS 73D1-188.87 vận chuyển 26 hộp giấy hình lập phương (bên trong có 36 lõi) và 500 viên dạng hình cầu tròn.
Qua điều tra ban đầu, đối tượng khai nhận là pháo. Cũng một tiếng sau, tại tuyến Quốc lộ 12A đoạn qua địa phận xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa, Công an huyện lại phát hiện và bắt giữ Trần Giang Nam (SN 1979), thường trú ở thôn Mã Thượng, xã Phong Hóa điều khiển xe mô tô BKS 73D1 – 7158 vận chuyển trên xe 20 hộp giấy hình lập phương (bên trong có 36 lõi). Đối tượng khai nhận là pháo.
Có thể thấy, những người đi buôn pháo lậu luôn sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng như lén lút vận chuyển vào đêm tối hay rạng sáng, cất giấu trong các thùng hộp khó phát hiện... Đối tượng liên quan đến hoạt động này không có giới hạn về độ tuổi, thường đa số họ vì lợi nhuận cao nên bất chấp, làm liều. Hầu hết các loại pháo được phát hiện đều ghi nơi sản xuất Trung Quốc, tuy nhiên, đi từ đường nào về thì cơ quan công an vẫn đang điều tra, làm rõ mới đưa ra kết luận chính xác.
Vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả
Luật Ðầu tư năm 2014 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2016) nêu rõ, kinh doanh pháo nổ được xếp vào nhóm ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó, mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ đều được coi là tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ðiều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ sáu đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ một đến 5 năm. Trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 đến dưới 120 kg, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ một đến ba tỷ đồng hoặc phạt tù từ năm đến 10 năm. Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120kg trở lên sẽ bị phạt tù từ tám đến 15 năm... Ðiều 10 Nghị định 167/2013/NÐ-CP, quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm cũng đưa ra nhiều mức hình phạt tương ứng đối với việc buôn bán, vận chuyển pháo nổ.
Mặc dù các quy định, chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán, tàng trữ pháo lậu là rất nặng nhưng do ham lợi nhuận cho nên các đối tượng vẫn bất chấp tất cả, sử dụng các phương thức vận chuyển ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Chưa năm nào, tình trạng bắn pháo hoa trái phép trong ngày Tết lại nhiều như Tết Nguyên đán 2019.
Đối với người dân TP.Đồng Hới nói riêng, người dân tỉnh Quảng Bình nói chung, vẫn không quên được âm thanh pháo nổ “đùng đoàng” cùng bầu trời mù mịt khói do người dân tự tổ chức bắn pháo hoa trái phép trong đêm giao thừa. Thực tế, trước Tết Nguyên đán, các lực lượng làm nhiệm vụ như Công an, BĐBB, hải quan... của tỉnh này đã liên tiếp bắt được rất nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép từ biên giới, nội địa... đưa vào tỉnh tiêu thụ, nhưng không hiểu sao, tình trạng nổ pháo vẫn diễn ra tràn lan, không thể nào kiểm soát được như vậy.
Như đã nói ở trên, chế tài xử phạt đối với hành vi mua bán, vận chuyển pháo nổ là rất nặng. Không chỉ vậy, đi theo đó là nhiều hậu quả tai nạn đáng tiếc do pháo gây ra. Theo bác sĩ Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, vào dịp Tết Nguyên đán 2019, khoa Mắt, tiếp nhận 12 trường hợp tai nạn do pháo gây ra. Tai nạn tập trung chủ yếu vào đôi mắt, có trường hợp mù mắt vĩnh viễn.
Ngoài ra, còn gặp bỏng toàn thân, cụt ngón tay do pháo. Các đối tượng bị tai nạn do pháo tập trung ở lứa tuổi thanh niên. Trước thực trạng trên, bác sĩ Trần Ánh Dương khuyến cáo: “Người dân không nên đốt pháo. Khi bị thương tích, đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để sơ cứu rồi chuyển lên tuyến chuyên khoa sâu, nhất là các tổn thương về mắt”. Theo tìm hiểu, khi nhập viện cấp cứu những người bị thương do hậu quả của bắn pháo hoa, thường không khai tên thật để tránh việc điều tra của công an, đã vài trường hợp xác minh lại tên, địa chỉ không có trong thực tế. Trước thực trạng trên, phải chăng đã đến lúc các cơ quan chức năng không những ngăn chặn tình trạng buôn bán pháo lậu qua biên giới mà còn tham gia vào công tác tuyên truyền những tác hại do pháo gây ra để giảm thiểu thương tích, tai nạn đáng tiếc do nổ pháo.