Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dòng tiền âm, nhiều ông lớn bất động sản tìm đến kênh trái phiếu

(DS&PL) -

Bên cạnh vay nợ tín dụng từ ngân hàng, để đảm bảo nguồn vốn tài trợ và phát triển dự án, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến kênh trái phiếu, với số lượng phát hành ngày một gia tăng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, ngoài các "ông lớn" có tiềm lực tài chính mạnh, không ít các doanh nghiệp bất động sản tầm trung và nhỏ lại có dòng tiền âm.

Ảnh minh họa

Đơn cử, dòng tiền kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (MCK: HPX) âm gần 1.550 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do lượng hàng tồn kho doanh nghiệp của đại gia Đỗ Quý Hải tăng mạnh 1.455 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng thêm 591 tỷ đồng.

Nhờ có dòng tiền đi vay nợ lớn giúp lưu chuyển tuần thuần của HPX chỉ còn âm hơn 550 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền chỉ còn 87 tỷ đồng tại cuối tháng 6/2021, giảm mạnh so với con số 603 tỷ đồng hồi đầu năm.

Tương tự, dòng tiền của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (MCK: KDH) cũng có diễn biến tiêu cực từ dương 455 tỷ cùng kỳ chuyển sàn âm hơn 840 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay do công ty đẩy mạnh thanh toán mạnh các khoản phải trả 752 tỷ đồng và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp gần 461 tỷ đồng.

Một số đơn vị khác cũng ghi nhận lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh âm như Nam Long (NLG), Năm Bảy Bảy (NBB), Đất Xanh (DXG),…

Bên cạnh vay nợ tín dụng từ ngân hàng, để đảm bảo nguồn vốn tài trợ và phát triển dự án, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến kênh trái phiếu, với số lượng phát hành ngày một gia tăng.

Bộ Xây dựng cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 192.200 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là hơn 176.800 tỷ đồng, khối lượng phát hành ra công chúng là hơn 15.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 53% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tình hình phát hành trái phiếu đối của các doanh nghiệp bất động sản, tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng thì có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm.

Mới đây, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (MCK: KBC) thông báo đã hoàn tất phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Mục đích huy động vốn là tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty con.

Trước đó, đầu năm 2021, doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm cũng huy động thành công 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để cho các công ty con vay, bao gồm Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.

Từ đầu năm tới nay, Công ty phát triển Bất động sản Phát Đạt đã thông báo phát hành 5 đợt trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị khoảng 1.240 tỷ đồng. Mục đích phát hành là tài trợ vốn cho các dự án bất động sản của công ty này và công ty con.

Trong đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước, Công ty CP Glexhomes cũng huy động thành công tổng giá trị 500 tỷ đồng.

Trước tình hình phát hành trái phiếu ồ ạt của các doanh nghiệp bất động sản, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đã có khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.

Nhà đầu tư cá nhân cũng nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật