Tại các xã ven biển thuộc các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, TP Sầm Sơn... (Thanh Hóa), ngư dân bắt đầu ra khơi vào ngày mùng 2, 3 Tết.
Chia sẻ trên báo VietNamNet ông Vũ Như Ca (phường Quảng Cư) cho biết, chuyến ra khơi đầu năm không chỉ đem lại kinh tế cao, mà còn để mong muốn cho một năm mưa thuận gió hòa, bội thu.
“Năm nay, tôi bắt đầu ra khơi từ mùng 2 Tết. Một chuyến ra khơi cũng đánh được nhiều loại tôm, cá. Giá bán cao hơn ngày thường. Mặt hàng tôm và cá khoai, khách tranh nhau mua mà không có hàng để bán”, ông Ca chia sẻ.
Ngư dân gỡ lưới tới đâu, người dân thi nhau mua tới đó. Ảnh: VietNamNet
Theo ông Ca, sở dĩ mặt hàng này có giá cao cả triệu đồng/kg nhưng vẫn nhiều người mua là do những ngày Tết ăn thịt nhiều nên ngán. Họ muốn mua cá, tôm về ăn. Món cá khoai có thể ăn lẩu, nấu canh rất mát.
“Cá khoai không phải dễ đánh, chuyến ra khơi đầu tiên tôi chỉ đánh được khoảng 7kg, giá bán chiều mùng 2 Tết là 1 triệu đồng mà khách tranh nhau lấy”, ông Ca cho biết.
Nhà ngư dân Nguyễn Văn Quý bắt đầu đi biển từ hôm mùng 3 Tết. Hai vợ chồng anh đi đánh bắt, xuất phát từ 4h đến khoảng 9h cùng ngày vào bờ. Thành quả vợ chồng anh thu được là khoảng hơn 20kg cá các loại.
Với giá bán như hiện nay, các loại tôm, cá… giao động từ 500 – 1.000.000đ/kg, vợ chồng anh cũng kiếm được cả chục triệu đồng một chuyến ra khơi.
Không chỉ Thanh Hóa, mà tại Nghệ An vào ngày mùng 3 Tết, nhiều ngư dân của thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu đã tất bật chuẩn bị ngư cụ, đá lạnh và đồ dùng thiết yếu để ra khơi chuyến biển đầu năm.
Theo bà con ngư dân, thông thường chuyến biển đầu năm thường trúng cá, giá cả tăng cao, nên nhiều chủ tàu quyết định ra khơi sớm và sẽ về bờ vào ngày 12 âm lịch, để đón Rằm tháng Giêng.
Anh Hồ Văn Lượng chia sẻ trên báo Nghệ An, tàu của anh công suất lớn, với 8 thủy thủ, đánh bắt bằng nghề lưới rê, thường chuyến biển đầu năm trúng cá hố, nên anh ra khơi sớm.
Thị xã Hoàng Mai có gần 1 nghìn tàu cá ở xã Quỳnh Lập, phường Quỳnh Phương, những chuyến biển cuối năm ngư dân đánh bắt có hiệu quả là động lực để đầu năm mới này bám biển vươn khơi.
Tại Hà Tĩnh, rất nhiều ngư dân chọn mùng 2 Tết làm ngày để bà con ra khơi đầu năm.
Với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, ngay từ ngày mùng 2 Tết, bà con ngư dân ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đã tất bật ra biển thực hiện nghi thức “xông biển”, xuất hành lấy may trong ngày đầu xuân năm mới.
Người dân Hà Tĩnh ra khơi bám biển. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Ngư dân Hoàng Ngọc Hùng (SN 1972, trú thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng) hồ hởi chia sẻ trên báo Hà Tĩnh: “Năm nay thời tiết đầu năm nắng đẹp, bà con chúng tôi rất phấn khởi. Do đó, ngay từ sáng mùng 2 Tết, tôi đã làm lễ vươn khơi một cách đủ đầy và tươm tất nhất, mong một năm thu hoạch được nhiều hải sản để kinh tế gia đình ổn định hơn năm cũ. Sau khi làm lễ xong, chiều mùng 2 Tết, chúng tôi đã vươn khơi, đón lộc biển đầu năm”.
Cũng theo ông Hùng, thời điểm đầu năm mới, việc ra khơi không chỉ đem lại kinh tế mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng. “Chuyến biển đầu năm nếu đánh bắt được nhiều cá tôm sẽ mang đến nhiều nguyện ước tốt đẹp. Chuyến ra khơi đầu năm này, cầu mong trời yên, biển lặng, hải sản luôn được giá để bà con yên tâm vươn khơi bám biển” - ông Hùng chia sẻ.
Cách đó không xa, ngư dân Trần Văn Tuấn (SN 1963, trú thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng) cũng đang khẩn trương chuẩn bị đồ nghề cho chuyến biển đầu năm. Ông Tuấn cho hay: “Năm nào cũng vậy, tôi và các bạn thuyền khác đều chọn ngày mùng 2 Tết để vươn khơi. Nếu may mắn sẽ thu được từ 3 - 5 triệu đồng, nếu ít cũng được hơn 1 triệu đồng. Khoản thu nhập này đối với chúng tôi rất quan trọng trong những ngày đầu năm mới. Do vậy, ai cũng cố gắng, tạm gác Tết để trở lại với công việc thường ngày”.
Thùy Dung (T/h)