Theo trang 163, khoảng 17h ngày 19/3/2003, ông La Tứ Thanh ở Hồ Nam (Trung Quốc) đến trường mẫu giáo đón con trai tên La Siêu Phàm nhưng được thông báo bé đã có người đón. Giáo viên cho hay, một người đàn ông gọi điện đến trường, nói gia đình tổ chức sinh nhật cho bà ngoại của Siêu Phàm nên nhờ người đón hộ. Cô giáo không hề nghi ngờ và đã giao Siêu Phàm cho người đó.
Được biết, gia đình ông La bận kinh doanh nên gửi con trai ở nhà trẻ cả tuần, chỉ đón về vào Chủ Nhật. Ngay khi nhận ra con bị bắt cóc, ông lập tức trình báo cảnh sát. Chỉ 1 ngày sau, cảnh sát đã tìm được người đón Siêu Phạm tại trường mẫu giáo. Đó là một người lái xe ôm ngoài 30 tuổi, cao 1,6m, mặt tròn.
Người lái xe ôm này được một người đàn ông thuê đến trường đón Siêu Phàm. Vì năm đó chưa có camera nên việc tìm kiếm đứa trẻ cùng người đàn ông kia vô cùng khó khăn. Kể từ ngày con mất tích, vợ ông La bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Do suy nghĩ quá nhiều nên bà bị những cơn đau đầu dữ dội hành hạ liên tục.
Ông La dồn hết tâm trí đi tìm con nên công việc kinh doanh xuống dốc, cuối cùng ông phải bán lại cửa hàng với giá rẻ. Quá trình tìm kiếm Siêu Phàm cũng đầy gian nan, có những ngày đông giá rét, ông La chỉ kịp ăn cốc mỳ nóng rồi lại đi dò hỏi khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Từ Hồ Nam, vợ chồng ông La đã đi qua nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc. Trong 19 năm qua, dù đi đến đâu, hai người đều cố gắng phát tờ rơi có thông tin về con.
Vào năm 2005, hai vợ chồng đến Hàng Châu (Chiết Giang) xin làm nhân viên bảo vệ để vừa lo cho gia đình, vừa tiếp tục tìm kiếm con trai. Trong thời gian sinh sống tại đây, ông tranh thủ thời gian đến Thượng Hải và nhiều địa phương khác để hỏi manh mối về Siêu Phàm. Biết hoàn cảnh của gia đình ông, các tình nguyện viên khắp Trung Quốc cũng liên hệ, hỗ trợ họ.
Nhiều năm qua, ông La và vợ sống trong một căn phòng tuềnh toàng hơn 10m2 gần công ty. Ngoài các đồ nhu yếu phẩm, họ còn để tranh, ảnh thông tin, áo phông, các thẻ bằng giấy và những chai nước in thông tin về Siêu Phàm. Vợ ông La hay đến những nơi đông người để phát tờ rơi, học cách nhắn tin qua mạng, nhắn vào các hội nhóm hoặc phát sóng trực tiếp trên mạng để thu hút người xem.
Người đàn ông luôn nghĩ về giây phút được đoàn tụ cùng con trai.
Dù vất vả nhưng vợ chồng ông La luôn tin tưởng sẽ tìm được con trai. Ông La lúc nào cũng nghĩ về giây phút đoàn tụ, đồng thời xác định chỉ cần gặp lại con, ngay cả khi cậu không đồng ý về sống cùng họ thì ông cũng chấp nhận.
"Sau khi tới Chiết Giang, mẫu máu của vợ chồng tôi đã được lấy. Bây giờ công nghệ hiện đại rồi, hy vọng gia đình sẽ sớm được đoàn tụ. Con trai, nếu con có thể nhìn thấy cha, hãy đến cơ quan công an để lấy mẫu máu, so sánh ADN để sớm đoàn tụ. Cha mẹ luôn đi tìm con”, ông La nói.
Trước đó, cư dân mạng từng xôn xao trước câu chuyện người mẹ 32 năm nhặt rác ở ga tàu đợi con trai mất tích. Trang 163 thông tin, một ngày vào năm 1989, bà Dư Chính Quỳnh đưa con gái Mã Kế Anh và con trai Mã Kế Minh (lúc đó 4 tuổi) ra ga tàu Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Không ngờ sau đó, cậu bé Mã Kế Minh đã biến mất trong biển người, cả nhà chia nhau đi tìm đến tối mịt nhưng vẫn không thấy.
Kể từ khi Mã Kế Minh mất tích, bà Dư ngày nào cũng đến ga tàu phía Bắc để nhặt rác, làm các công việc lặt vặt, không quên đưa mắt tìm kiếm con giữa “biển người”. 32 năm nhanh chóng trôi qua, bà Dư giờ đã già, trí nhớ cũng dần mơ hồ nhưng chưa từng từ bỏ việc chờ con ở ga tàu.
Bà luôn nuôi hy vọng mong manh rằng khi lớn lên, con trai có thể nhớ lại địa chỉ nhà ga để tìm đường về nhà. Năm 2016, bà Dư và con gái đến Công an quận Tân Đô (Thành Đô) để trình báo về vụ mất tích và cung cấp mẫu máu của gia đình. Cùng năm đó, anh Trương Minh Viễn đến từ Hà Bắc cũng tới cơ quan chức năng để cung cấp mẫu ADN nhằm tìm kiếm bố mẹ ruột thất lạc.
Sau khi tiến hành kiểm tra thông tin một cách toàn diện, vào tháng 8/2021, cảnh sát Tân Đô đã xác nhận anh Trương Minh Viễn chính là Mã Kế Minh mất tích cách đây 32 năm. Hóa ra, sau khi bị lạc mẹ tại ga tàu, Mã Kế Minh được một cặp vợ chồng nhận nuôi, đổi tên thành Trương Minh Viễn. Mẹ nuôi của Mã Kế Minh qua đời sớm. Vào năm Mã Kế Minh 10 tuổi, bố nuôi đã tiết lộ với anh về việc ông không phải bố ruột. Tới khi Mã Kế Minh trưởng thành, ông còn khuyến khích anh đi tìm lại gia đình ruột thịt.
Khi cảnh sát Tân Đô tìm thấy Mã Kế Minh và nói cho anh biết về gia đình của mình, anh cảm thấy vô cùng bất ngờ, xen lẫn bối rối, hồi hộp. Dù đã mong chờ giây phút đoàn tụ từ lâu, Mã Kế Minh lúc đó lại không biết nên đón nhận chuyện này như thế nào. Hiểu được suy nghĩ của con trai, bố nuôi khuyên anh nên đi gặp bố mẹ ruột.
Ngày 23/9/2021, bà Dư cuối cùng đã được gặp lại đứa con mà mình mong nhớ suốt 32 năm. Bà Dư cho biết mắt bà giờ đã kém, khuôn mặt Mã Kế Minh cũng đã có nhiều thay đổi nhưng nhìn con trai từ xa bà cũng có thể nhận ra. Điều khiến Mã Kế Minh tiếc nuối nhất là không có cơ hội gặp lại bố ruột, tuy nhiên thấy mẹ ruột vẫn khỏe mạnh và bình an, anh cũng yên tâm phần nào.
Chàng trai dự định vẫn sẽ sống ở Hà Bắc với bố nuôi và sẽ thường xuyên trở về Tứ Xuyên thăm mẹ và chị ruột. Dù không muốn xa con nhưng bà Dư tôn trọng quyết định của Mã Kế Minh không bắt anh phải trở về bên mình.
Đinh Kim (T/h)