Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Độc đáo tục “cầm vía” của người Thái ở Thanh Hóa

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, một người Thái phải ít nhất hai lần được làm vía.

(ĐSPL) - Lễ “cầm vía” là một tập tục thiêng liêng đầy ý nghĩa của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa. Từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, một người Thái phải ít nhất hai lần được làm vía.

Thế nào là “cầm vía”?

Tình cờ trong một lần về thăm bản Giăng ở xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), tôi có dịp được chứng kiến lễ “cầm vía”, một nghi thức đầy thiêng liêng và trang trọng của một gia đình người Thái. Gia đình anh Chạo Thanh Xuân đang mời thầy mo về làm lễ “cầm vía” cho cô con gái 4 tuổi của mình. Vợ chồng anh Xuân cho biết, trẻ con hay quấy khóc và lười ăn cơm thì phải được “cầm vía” để các vị thần linh cũng như tổ tiên che chở, phù hộ để ngoan ngoãn và hay ăn chóng lớn.

Trong đời sống tinh thần của đồng bào người Thái, thầy Mo có vai trò hết sức quan trọng. Đó là nhân vật có quyền năng thông quan với thế giới thần linh. Vì thế trong lễ “cầm vía”, thầy Mo là người không thể thiếu để dẫn dắt và thực thi các thủ tục. Anh Xuân đã mời bà cụ Phiên là bà Mo, cũng là người cao tuổi nhất trong bản về làm vía cho con gái.

Kể về nghề mo của mình, bà Mo Phiên (86 tuổi) cho biết, mình đã theo nghề mo từ năm 18 tuổi và nổi tiếng khắp cộng đồng người Thái, hễ ở đâu người dân cần “làm vía” cho trẻ con hay người già, là bà lại được mời tới để làm lễ. Để làm lễ “cầm vía” cho con gái, bà Mo Phiên dặn vợ chồng anh Xuân chuẩn bị hai mâm cỗ, một mâm để cúng tổ tiên, mời tổ tiên đến ăn uống và chứng giám lễ làm vía cho con cháu trong nhà, mâm còn lại là để gọi hồn vía đứa trẻ về ăn.Trong mâm cỗ thường có đĩa xôi, rượu, thịt gà, một nhúm sợi chỉ và một giỏ quần áo của đứa trẻ cùng những người thân trong gia đình.

Mâm cúng nhỏ để “gọi vía” cho đứa trẻ

Trong tục làm vía, vật có ý nghĩa hết sức quan trọng là cái áo của người được làm vía. Người ta cho rằng, áo là vật tượng trưng cho con người và hồn vía sẽ theo cái áo đó mà trở về với thể xác của nó.

Sau khi đọc bài cúng ở mâm thứ hai xong, bà mo gọi mọi người trong gia đình tới ăn mỗi người một miếng nhỏ để hưởng lộc. Và sau đó, từng người sẽ chia nhau những sợi chỉ đã chuẩn bị sẵn trên mâm cúng trước đó, để buộc vào cổ tay đứa trẻ tượng trưng cho việc đã buộc hồn vía lại với thân thể và nói những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho đứa bé. Đứa trẻ phải giữ lấy chỉ buộc vía này, không được bứt đi mà chỉ để nó tự đứt đi. Buộc vía xong, người ta an tâm là đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, trưởng thành.

Sau khi cúng, bà Mo cho gọi những đứa trẻ tới ăn và người lớn sẽ buộc chỉ vào cổ tay cho chúng

Nghi thức diễn ra trong không gian linh thiêng nhưng cũng ấm cúng và vui vẻ. Sau khi nghi thức xong xuôi, cả gia đình và họ hàng sẽ cùng nhau ăn cỗ trong không khí rộn rã đầy tiếng cười. Ai cũng tin rằng, sau khi được làm lễ “cầm vía” như vậy thì hồn vía đứa trẻ sẽ không lang thang rong chơi nữa, cũng không bị con ma nào quấy chọc nữa mà sẽ ngoan ngoãn và bình an.

Người Thái và những lần “cầm vía” trong đời

Phải nói rằng, tục làm vía không phải chỉ người Thái mới có, nó cũng là một phần trong phong tục của người Mông hay người Mường và thậm chí nhiều dân tộc thiểu số khác, chỉ biến tấu ít nhiều ở nghi thức. Điều đáng nói là ở đâu phong tục ấy cũng luôn được gìn giữ và gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh con người. Theo lời cụ Chạo Văn Tâm, một cao niên của bản Giăng cho biết: “Từ xa xưa, tục làm vía đã tồn tại trong đời sống tâm linh của đồng bào người Thái, dù thời đại có xoay chuyển thế nào thì phong tục này vẫn không thể nào mất đi. Từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, một người Thái phải ít nhất hai lần được làm vía. Ngoài ra, người ta còn làm vía khi ốm đau bệnh tật, khi đi xa trở về, khi bị tai nạn; Làm vía cho phụ nữ khi sinh, làm vía cho cô gái trước khi về nhà chồng hay ông bà ngoại làm vía cho cháu khi năm hết tết đến, thậm chí là làm vía để cầu sinh được con gái, con trai... “

Vía trong tiếng Thái là “khoắn” (hồn vía) và “làm vía” hay “gọi vía” (họng khoắn) là gọi hồn vía trở về nhà bố mẹ, vợ con, trở về với thể xác, để vía không đi lang thang nơi đất người, nơi sông xa rừng thẳm, bờ vực hay tránh xa các loài vật nguy hiểm trong rừng... Đó là quan niệm của người Thái khi làm lễ “cầm vía”.

Cũng theo lời cụ Tâm, trong trường hợp ốm đau, người ta tổ chức làm vía để an ủi, động viên người bệnh. Sau lễ buộc vía, nếu bệnh lui, người bệnh khỏe lên (tất nhiên là kết hợp với uống thuốc), thì ta chỉ có thể hiểu là: buộc vía như là một “liệu pháp tâm lý” đối với người bệnh. Trẻ con và người già là những người thường được làm vía nhiều hơn cả. Nếu người ốm là trẻ con thì lễ buộc vía tổ chức phạm vi nhỏ trong gia đình. Lễ vật cúng là xôi gà, rượu, cá nướng... Người cúng là thầy mo “nhỏ” trong bản.

Người Thái quan niệm, những đứa trẻ được “buộc vía” sẽ bình an và mạnh khỏe

Nhưng nếu người ốm là người già như cha mẹ, ông bà thì lễ buộc vía phải làm to. Con cái buộc vía cho cha mẹ với mục đích là để an ủi cha mẹ, cầu mong cha mẹ sống lâu, bình an, đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn công nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, vì chẳng bao lâu nữa cha mẹ sẽ về với tổ tiên. Và lễ làm vía này nhất thiết phải cúng lợn, xôi, cá nướng, cơm lam, rượu cần,... Phải mời Mo lớn về cúng. Gia chủ phải mời anh em, họ hàng, bà con trong bản về dự đông đủ. Cuộc buộc vía này, tùy từng người cụ thể, có người thì chỉ là buộc vía đơn thuần, có người nếu xem là bị hạn, thì đây là lễ giải hạn. Cũng có gia chủ cho rằng, cha mẹ, ông bà sẽ không qua khỏi trong đận này và cảm thấy mình có lỗi về mặt đạo lý với người bệnh nên đã tổ chức lễ cầm vía này đặc biệt thành kính, chu đáo, để “chuộc lỗi” với cha mẹ, ông bà, mong các “vị” xá lỗi, nếu chết thành ma thì cũng đừng về quấy phá, “đòi nợ” con cháu!

Ông Lương Văn Quý, Trưởng bản Giăng chia sẻ: “Trong tâm thức của người Thái, tục làm vía có ý nghĩa hết sức quan trọng với họ. Gạt bỏ đi những hủ tục còn tồn tại ít nhiều thì đó là tín ngưỡng tâm linh đáng quý đã có từ rất lâu đời. Làm vía thực chất là việc anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống, là cách những người trong gia đình và cộng đồng người Thái quan tâm tới nhau mà thôi”.

Dù cuộc sống hiện đại có làm thay đổi nhiều về cuộc sống cũng như những nét văn hóa truyền thống của người Thái, nhưng tục làm vía trong các gia đình người Thái vẫn không bao giờ mất đi, nếu có thì đó chỉ là sự biến đổi linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh sống mà thôi. Bởi, đó là tâm thức của đồng bào, là nét văn hóa của dân tộc, cho nên nó luôn được lưu giữ.

Tin nổi bật