(ĐSPL) - Cuộc sống nơi núi rừng tuy còn nhiều vất vả, đôi chân trèo đèo lội suối suốt tháng quanh năm, vậy mà những người con gái nơi ấy vẫn trắng trẻo, xinh đẹp. Tương truyền rằng, đó là nhờ suối nước thần trên địa bàn(?!).
Để tri ân, cứ đến mồng 8 tháng Giêng hằng năm, bà con nơi đây lại tổ chức lễ hội cảm tạ. Người đến mang trong mình những ước nguyện cầu xin sức khỏe và sự xinh đẹp, cho nên, đây được xem là lễ hội độc đáo có một không hai trong hệ thống lễ hội của người Thái - Nghệ An.
Lễ hội độc đáo
Sau khi được một người bạn vốn là dân tộc Thái ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An kể cho nghe về lễ hội cầu xinh đẹp của người dân bản địa, tôi quyết định xách ba lô tìm đến. Vừa chạm chân đến xóm 11, người viết khá ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần khiết của những cô gái nơi đây. Dường như cuộc sống vất vả của miền núi không ảnh hưởng đến nhan sắc của họ. Những cô gái Thái có nước da trắng mịn, khuôn mặt hồng hào, rạng ngời trong nắng Đông.
Bao năm nay, con gái nơi đây ít người phải nhờ đến sự “giúp đỡ” của mỹ phẩm. Họ có mái tóc óng ả, đen mượt bối lên cao, mắt sáng và nụ cười luôn nở trên môi - một vẻ đẹp thuần khiết! Mà cũng chỉ có những cô gái sinh ra và lớn lên ở đây mới được “ưu ái” như vậy, con gái các vùng lân cận thì không.
Không chỉ người dân bản địa, mà ngay cả chính những người nơi khác đến đều cho rằng đó là nhờ nguồn nước sinh hoạt của địa phương. Nó được bắt nguồn từ một dòng suối chảy ngược từ miền xuôi lên miền núi. Bà con ở xóm 11, xã Nghĩa Bình này có một niềm tin tâm linh rất lớn. Hằng năm, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, bà con lại nô nức kéo nhau đi dự lễ Khai hạ, tổ chức vào mồng 8 tháng Giêng, tại ngôi đền được lập nên để cảm tạ “thần” suối. Họ đến đây, ngoài sức khỏe, còn để cầu mong sắc đẹp và duy trì sắc đẹp!
Xem thêm video: Độc đáo lễ hội bắt chồng giữa thủ đô Hà Nội.
Trong làng có 7 dòng họ, chủ yếu là người Thái đen. Đến ngày lễ hội, các họ làm mâm cỗ cúng. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng họ mà trình bày mâm. Tuy nhiên, họ phải mời thầy cúng về làm lễ và không thể thiếu màn quăng thẻ bài. Bài cúng được sử dụng trong lễ hội này được khấn bằng tiếng dân tộc Thái, trong đó có nội dung cầu sự xinh đẹp cho những cháu bé, con gái, chị em phụ nữ... của xóm.
Lễ hội bắt đầu từ 7h sáng mồng 8 tháng Giêng, sau 9 hồi trống vang lên từ trong đền, các họ mang mâm cỗ đến cúng. Sau đó, 1 đến 2 người trong họ đại diện ở lại ăn uống trong đền. Nhưng đây cũng chỉ là một thủ tục hình thức thôi, bởi ăn vài miếng cho có lệ, còn lại họ bưng về nhà, con cháu cùng ăn uống, hát hò vui vẻ.
Đền Khe Thần - nơi tổ chức lễ hội độc đáo vào mồng 8 tháng Giêng hằng năm. |
|
Ông Vi Thanh Tâm (SN 1952), Trưởng xóm 11 kể cho chúng tôi nghe: “Đây được xem là một trong những lễ hội độc đáo của người Thái bản địa, bởi không nơi nào có lễ hội cầu xin sự xinh đẹp như ở đây. Người dân lập đền Khe Thần, cạnh ven suối để tiện đi thắp hương. Hàng năm, bà con xóm 11 luôn tổ chức lễ cúng tế ở đền để cầu mong ấm no, yên bình và chưa năm nào dám lơ là việc tế lễ cầu an”.
Không biết có phải do các thần linh trong đền “thấu” được lời cầu xin của dân chúng hay không, đến nay vẫn chưa ai giải thích được. Nhưng có một thực tế khó phủ nhận, đó là vẻ đẹp thuần khiết toát ra trên làn da, mái tóc và nụ cười tỏa nắng của những cô gái Thái nơi đây dễ làm say lòng người.
Suối nước lạ?!
Trong xóm 11 còn có một suối nước lạ. Người dân địa phương cho rằng, ngoài lễ hội độc đáo, con suối này cũng góp phần “kiến tạo” nên vẻ đẹp của người con gái Thái nơi đây.
Ông Tâm cho biết: “Dòng suối này đã xuất hiện từ cách đây rất lâu rồi. Dòng suối dài hơn 3km bắt nguồn từ trên đỉnh Bồ Bồ, một đỉnh núi lớn nằm trên địa phận của xóm 11. Nước ở đây mát lạnh và trong vắt, đặc biệt chưa bao giờ cạn, ngay cả trong mùa khô của miền núi Nghệ An.
Trước, suối có tên là Khe Dọc. Điểm lạ lùng của nó là bình thường, tất cả các dòng suối ở đây đều chảy theo hướng Tây sang Đông, nhưng riêng con suối này lại chảy ngược lại. Năm 1945, suối được đổi tên thành Khe Thần. Cái tên này lại do những người ở miền xuôi lên đây bán hàng rong gọi. Bởi họ thấy con suối kỳ lạ, lại mang trong mình những tích truyện không kém thần bí.
Người xưa kể lại, trên đỉnh núi Bồ Bồ - nơi con suối bắt nguồn - có một giếng thần. Ở dưới giếng này có rất nhiều cá vàng. Tuy nhiên, sự tồn tại của cái giếng đến nay khá mơ hồ, vì chưa có ai tận mắt chứng kiến hoặc kiểm chứng được điều này.
Tính đến nay vẫn chưa có ai đặt chân lên được đỉnh núi Bồ Bồ. Trước đây, cũng có một số thanh niên trai tráng của làng quyết tâm leo lên đỉnh núi cao chót vót này để “mục sở thị” giếng nước và cá vàng. Tuy nhiên, không hiểu sao cứ lên đến đỉnh, họ đều bị một cơn buồn ngủ kéo đến khiến mắt ríu lại, toàn thân bải hoải, chân không nhấc nổi để bước tiếp. Thế nên, tính chân thực của truyền thuyết trên vẫn còn là một ẩn số chưa ai xác thực được.
Ở xóm 11 hiện có 35 hộ gia đình đang trực tiếp sử dụng nguồn nước từ con suối này. Nguồn nước tinh khiết ngọt lịm, người dân rất ít khi bị đau ốm, bệnh tật. Trước đây, các cô gái Thái ăn uống sinh hoạt bằng nguồn nước này, tắm trên suối nước này. Có những người trong làng vào lúc “gần đất xa trời” vẫn tha thiết một nguyện vọng là được uống ngụm nước chảy từ khe suối này, để tìm sự bình an, thanh thản trước khi ra đi, giã từ cõi đời.
Tương truyền rằng, con suối ở đây rất thiêng. Vào một mùa giáp hạt cách đây rất lâu, dân bản xóm 11 rơi vào cảnh đói kiệt cùng, nhiều người thoi thóp chờ đợi thần chết đến mang đi. Trong lúc hoạn nạn này, một người đã đề xuất ra suối làm lễ, cầu mong “thần” nước phù hộ cho bà con qua cơn đói. Lạ kỳ thay, lời cầu khấn vừa kết thúc, từ dưới dòng suối, một đàn cá rất lớn kéo đến.
Người dân cứ thế lao xuống suối tranh nhau bắt cá đem về nấu các kiểu. Nhờ thế, năm đó, cả làng vượt qua mùa giáp hạt. Trong khi người ở các khu vực xung quanh đều quay quắt, chết vì đói.
Ông Tâm kể tiếp cho chúng tôi nghe, trước đây có một đoàn người ở dưới đồng bằng lên miền núi Nghĩa Bình. Khi đi qua con suối của xóm 11, họ dừng chân nghỉ ngơi ăn uống. Lúc ăn cơm, những người này vô tình làm rơi cơm xuống suối.
Một chú vịt đang kiếm ăn gần đó bơi đến ăn. Một người đàn ông trong đoàn bất ngờ với tay bắt vịt mang về làm thịt. Ăn xong, người này bỗng chửi bới, chạy nhảy như bị điên. Gia đình đã tổ chức đi chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi. Sau này đi xem bói mới hay cơ sự, cả nhà tá hỏa đi mua con vịt khác mang lên suối Khe Thần tạ tội. Lạ là sau buổi lễ đó, người đàn ông kia bỗng trở lại bình thường. Cũng từ đó, người dân truyền tai nhau nhiều lời đồn tâm linh, xuất phát từ sự linh thiêng của con suối.
Bảo vệ “báu vật” quý đang bị đe dọa Ông Vi Văn Vinh, một cao niên của làng kể, từ năm 1964 – 1972, một số chuyên gia Liên Xô đến vùng Nghĩa Bình để nghiên cứu. Nghe đồn về con suối kỳ lạ, họ đã đến lấy nước suối về xét nghiệm. Hầu hết, mọi người trong đoàn đều ngạc nhiên trước kết quả có được. Họ cho biết, nước suối không hề có vi khuẩn, lại có tác dụng diệt một số loại nấm bệnh. Từ đó, họ chỉ dùng loại nước này để ăn uống. Theo ông Tâm, hiện vẫn chưa có một căn cứ khoa học nào để kiểm chứng vai trò của dòng suối Khe Thần và lễ hội Khai hạ trong những nét đẹp của các cô gái Thái. Nhưng cùng với thời gian, suối Khe Thần đã trở thành một “báu vật” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt của bà con. Thế nhưng giờ đây, trước sức tàn phá nghiêm trọng của rừng đầu nguồn, nước Khe Thần đang bị ảnh hưởng nặng. |
LOAN NGUYỄN