Đóng

Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời ở tuổi 63

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời tại nhà riêng ở phố Lý Quốc Sư (Hà Nội), sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.

Sáng tạo không ngừng ở những năm tháng cuối đời

VOV dẫn thông tin từ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay, họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời tại nhà riêng ở phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) vào tối 17/7, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư.

Trên trang cá nhân, nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ: "Mới gặp ở buổi ra mắt cuốn sách cuối cùng của anh, họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn rành mạch trả lời từng câu hỏi của người tham dự bằng sự sắc sảo vốn có; vẫn cố ngồi ngắm mọi người uống rượu mạnh trong khói cigar cay cay lòng mắt… như để cố nén cơn bạo bệnh và cả những nỗi cô đơn đã từ lâu hành hạ.

“Thôi ta còn bạn bè” - câu Trịnh anh hay nhắc để quây tụ người thân trong những ngày nhiều nỗi, chắc chỉ đủ phần nào nguôi ngoai giây lát. Cuộc ra mắt sách và triển lãm mini đó như cuộc chiến cuối cùng gắng gỏi chống bạo bệnh".

Theo nhà báo Trần Nhật Minh, những ngày gần đây bạn bè nhắn tin hỏi thăm về sức khỏe, diễn tiến bệnh tình của họa sĩ Lê Thiết Cương, những mong những tia hy vọng cuối cùng. Nhiều anh em nhắn trực tiếp cho anh thấy câu trả lời cứ ngắn dần, thưa dần, lịm dần… là biết thật khó có phép màu.

Nhà báo Trần Nhật Minh cho biết thêm, những năm tháng cuối, họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn sáng tạo không ngừng, vẫn làm sự kiện cho mình, cho đồng nghiệp; làm sách, tổ chức trọn vẹn chu đáo tang lễ, 49 ngày cho người anh thân như ruột Nguyễn Thụy Kha…

Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời ở tuổi 63. Ảnh: VOV

Người họa sĩ gắn liền với phong cách tối giản

Theo VnExpress, họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, là con trai của nhà biên kịch, nhà thơ Lê Nguyên và quay phim Đỗ Phương Thảo. Ông theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1990.

Nam họa sĩ có hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau: Đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét. Tuy là một nghệ sĩ tự học trong lĩnh vực hội họa nhưng ông đã khẳng định được vị trí đặc biệt trong mỹ thuật đương đại Việt Nam với phong cách tối giản đặc trưng.

Về quan điểm sáng tác, ông từng nói: "Tôi không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa. Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là 'cá tính cốt tử' của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi".

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đam mê đặc sách và có duyên viết phê bình, với cuốn đầu tay là “Thấy” (2017). Trong cuốn sách mới nhất mang tên ”Trò chuyện với hội họa”, ông sử dụng ngôn ngữ đơn giản, giọng điệu thẳng thắn, chỉ ra những nét ấn tượng ở tác giả, tác phẩm một cách khách quan.

"Khi viết về một tác giả nào tôi cũng chỉ nói về cái hạt bụi quý mà anh ấy đóng góp cho hội họa chứ không nói vòng ngoài. Kiệm lời nhất có thể", nam họa sĩ chia sẻ.

Nhiều năm làm nghệ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương tâm đắc quan niệm của nhà sử học Anh W. Dilthey: "Mục tiêu tối hậu của quá trình giải minh văn bản là để hiểu một tác giả sâu sắc hơn là chính họ tự hiểu biết về mình".

Trong vai trò nhà phê bình, họa sĩ Lê Thiết Cương "chỉ dựa trên chính bức tranh để phân tích và đưa ra nhận định, tuyệt đối không nghe tác giả nói về tác phẩm của họ". "Làm nghệ thuật, vẽ, viết là chủ quan. Không có chủ quan thì không có nghệ thuật", ông nói.

Nam họa sĩ tại sự kiện giới thiệu cuốn ''Trò chuyện với hội họa" hồi tháng 6. Ảnh: VnExpress

Nam họa sĩ thân thiết nhiều nhân vật trong giới văn chương, hiểu sâu sắc tư tưởng, phong cách của họ. Sinh thời, ông là bạn vong niên với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Trong cuốn tản văn ”Nhà và Người” ra mắt năm ngoái, ông đưa ra góc nhìn tinh tế về nhiều văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, đạo diễn Đào Trọng Khánh.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận xét họa sĩ Lê Thiết Cương là người có rất nhiều tri thức về văn hóa, lại sống rất kỹ lưỡng, luôn quan sát mọi thứ một cách cực kỳ chi tiết.

"Bên cạnh là một họa sĩ, trong anh có một nhà văn, một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học với tư duy độc đáo, với anh mọi thứ đều có lý lẽ của nó không có cái gì là tự nhiên", nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết.

Bên cạnh mỹ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng thành danh trên nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế. Ông tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, làm giám tuyển của nhiều sự kiện, có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore.

Trong hai năm liên tiếp 2003–2004 và 2005–2006, ông được trao giải thưởng Good Design Award (Nhật Bản) – ghi nhận những đóng góp nổi bật trong thiết kế sáng tạo. Ngoài ra, ông còn thường xuyên viết báo, minh họa và cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí như Tuổi Trẻ, Lao Động, Tia Sáng, Nhân Dân...

Tin nổi bật