Với nội dung lôi cuốn, Đoạt Hồn đã "cướp hồn" người xem từ những giây phút đầu tiên.
Một tuần lễ kể từ sau ngày bé Ái (Thanh Mỹ) bị chết đuối dưới lòng sống, cha mẹ em là bà Diệp (Ngọc Hiệp) và ông Huy (Trần Bảo Sơn) ngỡ ngàng khi biết bé đã được vớt lên, và vẫn còn sống! Chưa kịp mừng vui vì được nhìn con lần nữa, hai vợ chồng nhận ra bé Ái có những biểu hiện rất kì dị và ma quái. Họ dần nhận ra rằng, có ai đó, hay cái gì đó không thuộc về thế giới người sống đang dần chiếm lấy hoàn toàn thân xác con gái họ.
Góc quay sáng tạo:
Cùng tu nghiệp đạo diễn tại trời Tây như Victor Vũ, Hàm Trần đã chứng minh với khán giả mê phim Việt Nam được rằng mình không hề thua kém người bạn đồng môn; trước có Âm Mưu Giày Gót Nhọn, và giờ là Đoạt Hồn. Phim có thể quay một cảnh ngang theo chiều dọc, thẳng theo chiều chéo, góc quay biến hóa liên tục, phá vỡ mọi sự rập khuôn thường thấy trong phim Việt, nhưng chỉ làm hứng thú thêm chứ không hề gây nhức mắt người nhìn.
Cụ thể là ở đầu phim Đoat Hồn, khi máy quay canh ngang từ đỉnh đầu một cái xác, rồi bỗng xoay một vòng thành quay trực diện, người xem mới biết đó là một người sống có khuôn mặt lạnh lẽo như hồn cõi âm. Hay như màu phim, được căn chỉnh cho phù hợp với không khí u ám của bộ phim. Lại phải so sánh, nếu màu phim của Victor Vũ cho người xem cảm giác sang trọng, thì phim của Hàm Trần lại gợi ra những cảm xúc thật bình dị, thật đời thường, nhưng lại là những thứ đời thường tinh tế nhất.
Âm thanh ám ảnh:
Phim kinh dị thật sự không gây ám ảnh bởi những thứ ma quỷ, quái vật xa vời; một thứ vốn rất bình dị với chúng ta, như một bài hát ru, một ca khúc thiếu nhi, khi được chọn lọc khéo léo giờ giấc mà phát ra từ một bộ phim kinh dị, lại là âm thanh gây ám ảnh nhất. Lời ru trẻ con “Ai về Phú Thọ…” cứ réo rắt bất chợt, xuyên suốt và bỗng trở thành bản nhạc nền hãi hùng nhất, khi nó được cất lên vào những khoảnh khắc mà bạn không hề mong muốn.
Cốt truyện ấn tượng:
Ngoài câu hỏi lớn của phim là liệu oán hồn có thực sự tồn tại hay không, phim còn đề cập nhiều hơn, đả kích nhiều hơn nạn buôn phụ nữ và trẻ em. Điều này cũng đã đau đáu trong lòng Hàm Trần từ rất lâu, và đến nay anh mới có dịp truyền tải tất cả cảm xúc của mình cho Đoạt Hồn. Khá phức tạp nhưng không hề thừa thãi, mỗi nhân vật trong phim đều có một góc khuất riêng đã chôn giấu từ lâu, mà giờ đây đều bị “lật tẩy” bởi sự trở về của oán hồn.
Diễn viên tròn vai:
Đó là lời nhận xét dành cho các diễn viên chính của bộ phim Đoạt hồn. Đặc biệt, bé Thanh Mỹ tuy còn rất nhỏ, nhưng lối diễn đã rất có hồn, thu hút người xem trong từng cử chỉ, từng lời nói. Mai Thế Hiệp tiếp tục trở lại với kiểu vai diễn “tuy phụ nhưng không phụ chút nào”. Cậu Thức qua cách thể hiện của anh, trở thành một con người tuy tưng tửng, hay pha trò là thế, nhưng khi cần thì luôn dũng cảm và xông xáo. Vai diễn anh giữ nhà xác của Huy Ma vốn là tuyến nhân vật phụ không ảnh hưởng đến mạch truyện chính, nhưng nhờ có vai diễn này mà không khí của bộ phim đã bớt đi phần nào căng thẳng.
Bé Thanh Mỹ |
Mai Thế Hiệp |
Huy Ma |
Có một số tình tiết trong phim Đoạt Hồn khá rối rắm, nếu khán giả xem với đầu óc không thoải mái sẽ khó nắm bắt được toàn bộ ý đồ dựng phim của đạo diễn. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản Đoạt Hồn trở thành bộ phim kinh dị tiềm năng nhất năm 2014.