Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp chây ì đóng BHXH sẽ bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

(DS&PL) -

Theo ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, trong năm 2018, cơ quan bảo hiểm sẽ tập hợp những doanh nghiệp chây ì đóng bảo hiểm, gửi sang cơ quan điều tra

Theo ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, trong năm 2018, cơ quan bảo hiểm sẽ tập hợp hồ sơ những doanh nghiệp chây ì đóng bảo hiểm, gửi sang cơ quan điều tra xử lý để nêu gương.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 8.000 DN đang “mất tích”, để lại số nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng. Số nợ này rất khó, thậm chí không có khả năng thu hồi, song vẫn đang treo trong sổ và được báo cáo chậm đóng.  Năm 2017, BHXH Việt Nam đã thực hiện trên 4.000 cuộc thanh tra tại các DN, đơn vị nợ kéo dài. Sau khi ra quyết định xử phạt chỉ khoảng 40-50% DN chịu khắc phục. Tuy nhiên, rất ít đơn vị khắc phục hết, đa số chỉ khắc phục được một phần, chấp nhận nộp phạt để duy trì số nợ.

Theo ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH rất đa dạng, nhiều hình thức. “Có nhiều trường hợp DN có thu tiền bảo hiểm nhưng không đóng lại; có DN hoạt động có lãi nhưng vẫn trốn đóng, hoặc chây ì; cũng có cả DN thực sự khó khăn, mất khả năng thanh toán...”, ông Thắng nói.

Năm 2018, sẽ chuyển hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng BHXH sang cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Đầu tư

Đánh giá tác động của chế tài xử lý hình sự đối với hành vi cố tình trốn đóng BHXH, ông Thắng nhận định: “Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thực tế nhiều DN cũng chưa để ý tới quy định này. Vì vậy, phải đợi tới cuối năm 2018 mới có thể đánh giá ý thức chấp hành của DN sau khi áp dụng luật mới như thế nào”.

Cũng theo vị Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), hiện tại cơ quan bảo hiểm vẫn đang phân loại các trường hợp nợ đọng BHXH để có cách xử lý phù hợp. Cụ thể, trường hợp DN nộp chậm dưới 1 tháng sẽ bị nhắc nhở; nộp chậm từ 2-3 tháng bắt đầu tính lãi chậm đóng; nộp chậm từ 3 tháng trở lên tiến hành thanh tra, ra quyết định xử phạt...

“Dù chưa có thống kê cụ thể, song số DN làm ăn có lãi nhưng chây ỳ trốn đóng BHXH cũng không phải ít, thậm chí họ còn chấp nhận xử phạt để nợ đọng bảo hiểm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét, sàng lọc số DN này, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý để nêu gương”, ông Thắng nhận định.

Theo BHXH Việt Nam, xử lý hình sự các doanh nghiệp, đối tượng cố tình chây ì, trốn đóng BHXH của người lao động sẽ là biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng đã kéo dài nhiều năm qua ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động.

Trong trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, thiệt hại nhiều nhất chính là người lao động, về lâu dài sẽ gây ra bất ổn lớn, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Để hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng và nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp, thời gian tới người sử dụng lao động trốn đóng BHXH có thể bị xử lý hình sự.

Theo đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; nếu  còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm. Các hành vi vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

Ngoài ra, Điều 216 còn quy định: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với các hành vi sau: trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật