Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đoàn làm phim hài Tết bị tố tự ý tô vẽ giếng cổ ở di tích Quốc gia Đường Lâm

(DS&PL) -

Để xây dựng một bối cảnh cổ xưa trong phim, các thành viên trong đoàn phim hài Tết đã dùng vôi ve màu đỏ trộn với keo sữa để phủ lên toàn bộ cả bên trong và bên ngoài thành giếng.

Quần thể di tích cấp Quốc gia làng cổ Đường Lâm có hệ thống giếng cổ nằm rải rác trong làng. Với Đường Lâm, giếng làng lại là bộ phận không thể thiếu trong không gian văn hóa của làng. Những chiếc giếng cổ đã tạo nên nét đặc sắc rất riêng của vùng đất hai Vua, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của rất nhiều du khách.

Thế nhưng, giếng đình Mông Phụ (nằm bên mé phải của đình Mông Phụ) là giếng lớn nhất, một trong những điểm thăm quan nổi tiếng ở Đường Lâm, lại vừa bị xâm hại bởi một đoàn làm phim đến quay phim hài Tết, theo báo Lao Động. 

Giếng cổ bị tô vẽ, làm mới để làm bối cảnh phim hài Tết. Ảnh: Báo Lao Động.

Để xây dựng một bối cảnh cổ xưa trong phim, các thành viên trong đoàn phim này đã dùng vôi ve màu đỏ trộn với keo sữa để phủ lên toàn bộ cả bên trong và bên ngoài thành giếng, rồi dùng bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng tạo hình gạch đá ong, tiếp đó vảy sơn màu xanh lên làm giả rêu phong. 

Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm sau khi nắm thông tin, chính quyền địa phương đã có mặt để xử lý. Ông Thạo cho hay, chỉ vì muốn tạo bối cảnh chiếc giếng đá ong trông như mới để hợp với bối cảnh quay phim nên đoàn làm phim đã làm như vậy. Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng cho biết, thực tế đoàn phim chỉ mới vôi ve bên ngoài chứ không phải sơn sửa gì, có thể khắc phục bằng việc cọ rửa lại bằng nước, theo VietNamNet. 

Giếng sau khi đoàn làm phim khắc phục hậu quả. Ảnh: VietNamNet.

Nét đặc trưng của giếng cổ Đường Lâm là miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi. Bên cạnh giá trị sử dụng, giếng còn mang ý nghĩa tâm linh. Hai giếng bên đình Mông Phụ, tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng. Về mặt kiến trúc, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Giếng thường rộng từ 3-5 m, sâu trên 10 m.

Theo năm tháng, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao, giếng khoan và nước máy dần dần thay thế giếng cổ. Nhiều chiếc giếng trăm tuổi ít người qua lại nên nước tù đọng, bị cây cỏ dại bao phủ.

Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, ngày 19/5/2006.

Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

Bích Thảo (T/h) 

Tin nổi bật