Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đìu hiu trạm cân xe

(DS&PL) -

Sau hơn 1 tháng ra quân rầm rộ, từ cuối tháng 5/2014 đến nay, các trạm cân xe quá tải đã hạ nhiệt hoặc yên ắng một cách khác thường.

Sau hơn 1 tháng ra quân rầm rộ, từ cuối tháng 5/2014 đến nay, các trạm cân xe quá tải đã hạ nhiệt hoặc yên ắng một cách khác thường.

So với những ngày đầu trạm cân tải trọng xe lưu động Phước Lộc trên QL1, đoạn qua xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định) đi vào hoạt động, cán bộ và nhân viên ở đây có vẻ nhàn nhã hơn. Nếu như trước đây, mỗi ngày, trạm này có hàng trăm xe tải vào kiểm tra tải trọng thì nay chỉ còn vài chục chiếc.

Phó mặc cho cò

Chiều 1 ngày đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi có mặt tại trạm cân Phước Lộc. Trong khi đoàn xe tải nối đuôi nhau chạy ầm ầm, bên kia đường, một CSGT ngồi dưới chiếc dù rung đùi một cách nhàn hạ. Cứ thế, hàng loạt xe tải chở hàng lừ lừ qua trạm, trong khi vị CSGT đưa mắt nhìn theo mà không có động thái gì. Thi thoảng, vị CSGT này đứng dậy, cầm gậy chạy ra đường ra hiệu một xe tải chạy vào trạm để kiểm tra tải trọng. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khoảng 1 giờ hôm ấy, có hàng trăm xe tải chở hàng qua trạm nhưng chỉ vài chiếc bị chặn lại kiểm tra.

Nhiều xe tải vô tư đi lọt trạm cân ở Khánh Hòa. Ảnh: K.N

Theo một số tài xế xe tải chạy đường dài, xe quá tải muốn qua lọt trạm cân Phước Lộc mà không bị lập biên bản thì chỉ cần "làm việc" với cò là xong. Khi đến đoạn gần 2 đầu trạm cân, tài xế xe tải tấp vào lề đường, lập tức cò xuất hiện. Tùy theo trọng lượng quá tải, tài xế chỉ cần chi từ 500.000 đồng cho cò thì sẽ được qua trạm mà không bị chặn lại kiểm tra.

Tại Bình Thuận, sau một thời gian luôn "nóng" với tình trạng tài xế xe quá tải tập trung gây rối để vượt trạm, gần đây, trạm cân xe đặt ở tỉnh này đã yên ắng hẳn. Theo Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh Bình Thuận, hiện nay, số lượng xe quá tải lưu thông qua trạm cân đã giảm hẳn. Đặc biệt, gần 2 tháng trạm cân hoạt động, rất ít xe của Bình Thuận chở quá tải trọng quy định. "Các chủ xe, chủ doanh nghiệp, HTX… đã ý thức được việc kiểm tra tải trọng nên chủ động chở đúng quy định", ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh TTGT tỉnh Bình Thuận lý giải.

Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, để né trạm cân đặt tại đường dẫn vào ga Phan Thiết, TP Phan Thiết (Bình Thuận), cánh tài xế đã cho xe tải đi vào các tuyến đường ĐT718, Phú Hội - Cẩm Hang - Sông Quao đến QL28 để ra QL1 và các đường nội thị trong TP Phan Thiết. Vì thế, các tuyến đường liên thôn Phú Hội - Cẩm Hang (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) nhanh chóng hư hỏng. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đội TTGT tăng cường kiểm soát các tuyến đường nội thị TP Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc nhưng do lực lượng ít, không thể tuần tra 24/24 giờ nên nhiều xe vẫn "thoát", nhất là vào ban đêm.

Ngoài ra, tình trạng cò trạm cân xuất hiện ngày càng dày đặc ở Bình Thuận. Theo ông Thạch, nhân viên trạm cân đã phát hiện khoảng 20 cò chuyên "ăn chực nằm chờ" ở các quán cơm, cây xăng phía Bắc và Nam của trạm. Nhiều cò còn túc trực trước trụ sở TTGT, khi thấy xe tuần tra xuất phát là họ đi theo và thông báo cho "đồng nghiệp" dắt  xe né. Sở GTVT đã phải "cầu viện" lực lượng công an điều tra, thu thập chứng cứ, xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng cò dẫn đường cho xe quá tải qua trạm.

Cân hỏng, trạm thiếu mặt bằng

Tại Đắk Lắk, từ ngày 6/5, trạm cân lưu động số 53 chính thức hoạt động. Trong thời gian qua, trạm đã cân tải trọng hơn 520 lượt xe, phát hiện 52 trường hợp quá tải. Tuy vậy, cân điện tử của trạm liên tục bị trục trặc. Mới đây, ngày 28/5, cân lại trục trặc nên Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk phải gửi bàn cân cùng ổ cứng máy tính ra Hà Nội sửa chữa.

Theo ông Lê Công Chức, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, Trạm trưởng trạm cân lưu động số 53, đơn vị cung cấp thiết bị thông báo cân đã sửa xong nhưng cần thời gian để kiểm định lại nên chưa chuyển vào được. Bên cạnh đó, việc thiếu lực lượng kiểm tra tải trọng xe đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của trạm cân.

Tương tự, tại trạm cân lưu động số 56 ở tỉnh Đắk Nông, trong thời gian qua, cân điện tử cũng thỉnh thoảng bị xảy ra sự cố.

Tại tỉnh Khánh Hòa, trạm cân lưu động tại xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh vẫn hoạt động bình thường nhưng các lực lượng chức năng rất ít khi thổi xe vào kiểm tra như những ngày đầu. Theo các nhân viên ở trạm cân này, do tỉnh chưa phê duyệt quy chế hoạt động của trạm nên chưa thể tuyển thêm nhân sự, xây dựng nhà chờ, khu hạ tải, nhất là các chế độ cho nhân viên trực. Điều này gây khó khăn, bất lợi cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy định của Bộ GTVT, trạm kiểm tra phải có mặt đường đủ rộng, không gây ùn tắc giao thông, có nơi hạ tải hàng hóa. Trong khi đó, trạm cân tại nút giao thông QL1 đoạn qua xã Diên Thạnh chiều dài hạn chế, lại có dải phân cách cứng nên khá khó khăn cho việc kiểm tra tải trọng xe quá tải, nhất là xe container. Ngoài ra, do chưa có mặt bằng đủ rộng nên hiện trạm cân này chỉ tập trung kiểm tra xe chiều từ TP HCM đi Hà Nội, chiều ngược lại còn hạn chế.

Kiểm tra "bằng con mắt nghiệp vụ"

Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định kiêm Trạm trưởng trạm cân Phước Lộc cho biết, trách nhiệm yêu cầu xe đang lưu thông trên đường vào trạm cân kiểm tra là do CSGT đảm nhận. Bằng con mắt nghiệp vụ, khi nào phát hiện xe tải có dấu hiệu vi phạm về tải trọng thì CSGT mới chặn lại, yêu cầu kiểm tra. "Về dư luận có hiện tượng cò móc nối với cán bộ trạm cân để bỏ qua khâu kiểm tra tải trọng, tôi cũng nghe và đang xác minh. Nếu phát hiện cán bộ của trạm có hành vi móc nối với cò để dẫn xe qua trạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông Quả khẳng định.

Về việc ít thổi xe vào cân, một nhân viên trạm cân Diên Thạnh ở tỉnh Khánh Hòa giải thích: "Hiện nay, đa số xe chở khá đúng quy định. Khi nhìn vào lốp và nhíp xe có dấu hiệu chở quá tải trọng, lực lượng chức năng mới yêu cầu vào kiểm tra".

Tin nổi bật