Theo BBC, vụ việc thương tâm xảy ra từ năm 2015 nhưng chỉ được công bố sau khi một trong những người bệnh được ghép tạng lấy từ sự cố đó đã phải nhập viện vào năm 2019.
Trong khi chuẩn bị gan, thận, tụy nhận từ người hiến để ghép cho 3 bệnh nhân, nhân viên y tế thuộc quỹ tín thác Quỹ NHS Foundation Trust, Đại học Oxford lỡ làm tràn dịch dạ dày lên tạng. Tuy nhiên, người này không tiết lộ về sự cố với bất cứ ai mà vẫn chuyển các tạng đến phòng mổ để tiến hành ghép cho 3 bệnh nhân.
Nhân viên này cũng không biết rằng dịch dạ dày đã làm nhiễm khuẩn các tạng hiến, sẽ dẫn đến nhiễm trùng cho người được ghép. Cuối cùng, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật thuộc Quỹ NHS Foundation Trust, Đại học Oxford, đã tiến hành các ca ghép, không được thông tin về sự cố.
Tạng bị nhiễm trùng vẫn được ghép cho bệnh nhân, 1 người tử vong thương tâm. Ảnh minh họa: Istock
Sau phẫu thuật ghép gan, một bệnh nhân 36 tuổi đã tử vong vì chứng phình động mạch do lá gan cấy ghép bị nhiễm trùng. Cùng lúc đó, hai bệnh nhân khác, được ghép thận và tụy, có sức khỏe ngày càng xấu đi.
Trong đó, bệnh nhân 25 tuổi đến từ xứ Wales được ghép thận, đã phải truyền máu 16 lần và cuối cùng buộc phải phẫu thuật khẩn cấp để cắt bỏ quả thận được hiến do chảy máu trong. Anh cũng phải lọc máu trong vòng một năm và đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đại học Wales.
Luật sư bào chữa phía bệnh viện cho rằng, dù xảy ra sự cố, tỷ lệ rủi ro của ca phẫu thuật rất nhỏ. Trong khi đó, luật sư Jodi Newton đại diện cho bệnh nhân, chuyên gia về sự cố y tế tại Hudgell Solicitor phản bác luận điểm này, gọi đây là "vi phạm không thể chấp nhận, gây tổn hại đến niềm tin của bệnh nhân đối với bác sĩ".
Bệnh nhân 25 tuổi được ghép thận cho biết "cảm thấy phẫn nộ" vì đội ngũ bác sĩ chỉ thừa nhận sai sót khi tình hình sức khỏe của các bệnh nhân chuyển biến xấu.
Giáo sư Meghana Pandit, Giám đốc Y tế Quỹ NHS Foundation Trust sau đó đã cam kết không để tình huống tương tự lặp lại trong tương lai. Quỹ này cũng đã bồi thường 215.000 bảng (khoảng 7,4 tỷ đồng) cho các bệnh nhân.
Trong lĩnh vực y khoa, những sai sót dù nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Đáng lo ngại hơn cả là những sự cố không xuất phát từ yếu tố khách quan mà đến từ sự tắc trách, nhầm lẫn và thiếu năng lực của đội ngũ y bác sĩ.
Những vụ việc như phẫu thuật nhầm, kê đơn sai thuốc, chẩn đoán sai bệnh hay để quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể bệnh nhân không chỉ gây tổn hại sức khỏe mà còn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai.
Những sai lầm này không thể chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" mà nhiều khi là hệ quả của sự vô trách nhiệm, cẩu thả hoặc thiếu đạo đức nghề nghiệp. Bệnh nhân khi nhập viện đã đặt toàn bộ niềm tin và sự sống của họ vào tay bác sĩ, nhưng đôi khi chính những người đáng lẽ phải bảo vệ sức khỏe lại trở thành nguyên nhân gây ra bi kịch.
Để hạn chế những sai sót này, không chỉ cần nâng cao chuyên môn của đội ngũ y tế mà quan trọng hơn, phải có sự giám sát chặt chẽ, minh bạch trong quá trình khám và điều trị. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp cũng cần được đặt lên hàng đầu, bởi y học không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một sứ mệnh bảo vệ sự sống con người trên toàn trái đất.
Theo BBC