Vụ việc thương tâm được ghi nhận tại Bệnh viện phụ sản Samarpan ở khu vực Line Bazar thuộc quận Purnea, bang Bihar, Ấn Độ vào tháng 6/2023. Theo đó, cô Malti Devi (22 tuổi) mang thai đôi đã được đưa vào bệnh viện sau khi xuất hiện các cơn đau chuyển dạ.
Bác sĩ phụ khoa Seema Kumari tại bệnh viện đã ra khỏi thị trấn vào thời điểm đó. Mặc dù vậy, người phụ nữ vẫn được ban quản lý bệnh viện tiếp nhận.
Sản phụ tử vong do y tá cắt trúng tĩnh mạch khi phẫu thuật lấy thai. Ảnh minh họa: Istock
Được báo cáo rằng cô Malti đang bị đau chuyển dạ dữ dội, các y tá và nhân viên y tế khác tại bệnh viện đã tham khảo ý kiến của bác sĩ Seema Kumari và quyết định để cô sinh mổ.
Họ đưa cô Malti đến phòng phẫu thuật và chỉ định một y tá để thực hiện phẫu thuật. Y tá này sau đó nhận được sự hướng dẫn qua một cuộc gọi video từ bác sĩ Seema Kumari.
Tuy nhiên, nữ y tá này đã vô tình cắt phải một tĩnh mạch quan trọng ở bụng khiến sản phụ Malti tử vong trong khi 2 con của cô được đưa ra ngoài một cách an toàn và vẫn khỏe mạnh.
Giới chức địa phương sau đó xác nhận đã nhận được đơn kiện từ người nhà của sản phụ tử vong, cam kết sẽ điều tra vụ việc và có hình thức xử phạt phù hợp nếu phát hiện sai phạm từ phía bệnh viện.
Trong lĩnh vực y khoa, những sai sót dù nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Đáng lo ngại hơn cả là những sự cố không xuất phát từ yếu tố khách quan mà đến từ sự tắc trách, nhầm lẫn và thiếu năng lực của đội ngũ y bác sĩ.
Những vụ việc như phẫu thuật nhầm, kê đơn sai thuốc, chẩn đoán sai bệnh hay để quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể bệnh nhân không chỉ gây tổn hại sức khỏe mà còn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai.
Những sai lầm này không thể chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" mà nhiều khi là hệ quả của sự vô trách nhiệm, cẩu thả hoặc thiếu đạo đức nghề nghiệp. Bệnh nhân khi nhập viện đã đặt toàn bộ niềm tin và sự sống của họ vào tay bác sĩ, nhưng đôi khi chính những người đáng lẽ phải bảo vệ sức khỏe lại trở thành nguyên nhân gây ra bi kịch.
Để hạn chế những sai sót này, không chỉ cần nâng cao chuyên môn của đội ngũ y tế mà quan trọng hơn, phải có sự giám sát chặt chẽ, minh bạch trong quá trình khám và điều trị. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp cũng cần được đặt lên hàng đầu, bởi y học không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một sứ mệnh bảo vệ sự sống con người trên toàn trái đất.
Theo Daily News Post và National Herald India