Viện KSND tối cao vừa trả hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam và các tỉnh để Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra bổ sung.
Theo báo An ninh thủ đô, Viện KSND Tối cao đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ, kết luận về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp phép, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa là thực phẩm chức năng được Công ty Liên Kết Việt sử dụng để kinh doanh đa cấp; trách nhiệm các cơ quan liên quan trong việc cấp phép, giám sát hoạt động kinh doanh đa cấp tại Công ty Liên Kết Việt.
Viện KSND Tối cao cũng đề nghị làm rõ những khoản tiền mà các văn phòng của Công ty Liên Kết Việt đã thu từ những người tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp và việc Lê Xuân Giang đã sử dụng, chi tiêu khoản tiền hơn 718 tỷ đồng.
Lê Xuân Giang mặc quân phục gặp gỡ khách hàng - Ảnh: báo Thanh Niên |
Báo VOV thông tin, trước đó, cơ quan điều tra đã ra kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt. Lê Xuân Giang cùng 6 đồng phạm bị đề nghị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết luận điều tra, Giang và các đồng phạm đã phát triển kinh doanh đa cấp ở Công ty Liên Kết Việt.
Công ty Liên Kết Việt thường tổ chức các đại hội hoa hồng, lễ đón nhận các danh hiệu, khen thưởng một cách hoành tráng ở những nơi như: Thiên đường Bảo Sơn, Trung tâm Văn hóa quận Thanh Xuân, Bảo tàng Hà Nội… để chi thưởng cho các nhà phân phối với những phần thưởng cực lớn như căn hộ trị giá 1,8 tỷ đồng, ô tô trị giá 1 tỷ, xe máy SH…
Để tạo niềm tin, lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt đã mạo danh là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, trong đó Lê Xuân Giang thường xuyên đeo quân hàm đại tá quân đội.
Báo Trí thức trực tuyến thông tin thêm, bằng các thủ đoạn gian dối, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở 61 chi nhánh, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền hơn 2.091 tỷ đồng.
Cảnh sát xác định Giang đã chi hơn 1.113 tỷ đồng cho các hoạt động của công ty. Trong số hơn 978 tỷ đồng còn lại, Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt phải chịu trách nhiệm hơn 871 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thuỷ bị cáo buộc đã hưởng lợi 36,4 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan điều tra đã tạm giữ gần 148 tỷ đồng của Lê Xuân Giang (chưa tính tài sản kê biên). Bị can này không nhớ hết các khoản chi liên quan đến số tiền đã chiếm đoạt.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)