TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp về thực phẩm chức năng biến tướng, chính sự biến tướng đó làm người tiêu dùng cảm thấy thực phẩm chức năng quý và đắt hơn cả thuốc. Từ đó làm người tiêu dùng “mù” thông tin và hiểu sai về thực phẩm chức năng.
Chiều 5/5, tại buổi tọa đàm bàn về góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam, rất nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đã bàn luận sôi nổi xung quanh vấn đề TPCN.
Một đánh giá mới đây của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết: “Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam trong những năm qua đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành”.
GS.TS Trịnh Quân Huấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng những văn bản quản lý về TPCN phải là Nghị định. |
Mặc dù được kỳ vọng và trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều vấn đề bất cập. Do những quy định, chế tài cũng như công tác quản lý còn nhiều hạn chế nên việc sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch. Lợi dụng kẽ hở nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với thực tế, tác dụng hỗ trợ sức khỏe không đúng so với quảng cáo khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng, dẫn đến thiếu niềm tin và xa hơn là cảnh giác và tẩy chay sản phẩm…
GS.TS Trịnh Quân Huấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc quản lý TPCN là một trong những vấn đề quan trọng, xã hội ngày càng phát triển thì việc chăm sóc sức khỏe, làm đẹp ngày càng được quan tâm.
Tuy nhiên, hiện nay đang có khoảng 3600 DN tham gia vào sản xuất, kinh doanh TPCN ở Việt Nam, nhưng việc quản lý TPCN chưa được chặt chẽ.
“ Luật VSATTP ra đời từ năm 2011 đáng lẽ phải có nhiều văn bản nghị định phải ra rồi ví dụ như về quản lý TPCN quản lý thực phẩm biến đổi gen và quản lý phụ gia thực phẩm… Nhưng sau đó chỉ có Thông tư 43 về quản lý thực phẩm nói chung, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, bảo quản TPCN chưa được chặt chẽ.” - GS.TS Trịnh Quân Huấn cho hay.
GS Trịnh Xuân Huấn cho hay, việc quản lý TPCN nên đưa thành nghị định, cần cung cấp thêm nhiều thông tin đúng cho người dùng, cho nhà sản xuất cho những người đi thanh kiểm tra phải hiểu biết đúng về TPCN để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
GS. TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam. |
Đồng tình với quan điểm trên, GS. TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho hay: “Theo tôi là rất cần có Nghị định bởi vì đây là sản phẩm liên quan tới con người. Hiện nay dự trữ Luật cần phải thông qua đang quá lớn nên sẽ không làm nổi do đó việc ra Nghị định thì tốt hơn.”
Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Long – Phó CT Cục An toàn TP, Bộ Y tế cho biết, Cục đã xin ý kiến Chính phủ và đang trong quá trình xây dựng nghị định trình Chính phủ về quản lý TPCN.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế khẳng định đa cấp biến tướng đã khiến người dân hiểu lầm về công dụng của TPCN. |
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế chỉ ra một thực tế: “Bán hàng đa cấp nó biến tướng, chính sự biến tướng đó làm người tiêu dùng cảm thấy thực phẩm chức năng quý và đắt hơn cả thuốc, chính vì lý do đó làm người tiêu dùng “mù” thông tin và hiểu sai về thực phẩm chức năng.”
Từ quan điểm trên, ông Quang cho rằng, trong nghị định mới cần có những quy định cụ thể hơn nữa về việc kinh doanh TPCN trên lĩnh vực đa cấp.