Trong số các quân chủ đứng đầu những thế lực lớn thời Tam quốc, Lưu Bị có thể xem là một trong số những người mang xuất thân thua kém hơn cả. Mặc dù ông tự xưng là dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, nhưng mối liên hệ họ hàng này đã quá lâu đời, khó ai có thể kiểm chứng độ xác thực.
Từ thời ông nội, gia cảnh của nhà họ Lưu bắt đầu sa sút. Tới đời cha của Lưu Bị, thực lực gia đình từ lâu đã chẳng bằng trước kia. Gia cảnh khó khăn, cha không may qua đời sớm, để lại cô nhi quả mẫu Lưu Huyền Đức sống nương tựa vào nhau. Để có thể mưu sinh, Lưu Bị ngay từ khi còn nhỏ đã bắt đầu làm nghề đan giày dệt chiếu, trải qua một cuộc sống chẳng hề dễ dàng.
Kể từ khi làm lễ kết bái ở vườn đào, cuộc đời của Lưu Bị đã gắn chặt với Quan Vũ và Trương Phi. Trong mấy chục năm về sau, ba người họ vẫn luôn sát cánh bên nhau.
Vậy đâu là nguyên nhân giúp Lưu Bị từ người đan giày có thể trở thành người đứng đầu nước Thục Hán?
Hình ảnh Lưu Bị trên phim.
Lấy nhân đức làm đầu
Mặt mạnh của Lưu Bị dễ thấy. Trước hết là chữ Nhân, đứng đầu trong "Ngũ thường". Đi đến đâu, họ Lưu cũng e ngại sự giết chóc, ưa sự bình an, chẳng hạn khi đã về với Viên Thiệu, ông đã hết sức can ngăn để họ Viên không giết mưu sĩ Điền Phong.
Lưu Bị không giỏi mưu kế cũng không giỏi đánh trận. Song ông lại có tấm lòng nhân hậu và chưa bao giờ bỏ rơi hay ức hiếp những người yếu thế hơn mình.
Khi quân Tào đánh Kinh Châu, Lưu Bị phải rút lui mà bách tính ở Kinh Châu cũng đồng lòng rút theo Lưu Bị. Có người khuyên Lưu Bị hãy bỏ lại bách tính để lo lấy lấy thân mình. Tuy nhiên, Lưu Bị lại khảng khái đáp: Kẻ làm đại sự thì phải lấy dân làm gốc. Ngày nay, muôn dân bách tính đang quy phục ta, làm sao ta nỡ nhẫn tâm vứt bỏ họ!
Hành động này của Lưu Bị trong phút chốc đã trở thành tiếng thơm lưu truyền khắp thiên hạ, khiến cho người người đều thuận lòng quy phục Lưu Bị. Nhưng hậu quả của sự lựa chọn này quả thực là quá lớn. Khi Lưu Bị cùng nhân dân rút đến thành Đương Dương, truy binh của Tào Tháo đuổi đến nơi khiến Lưu Bị đại bại, vợ con ly tán.
Ở thời Tam Quốc nhiều anh hùng hào kiệt, thì người có trí tuệ kiệt xuất như Gia Cát Lượng không chỉ có một. Người có võ công cái thế như Triệu Tử Long cũng không ít. Nhưng người nhân đức như Lưu Bị thì chỉ có một mà thôi.
Trong Tam quốc chí, một bộ sử liệu tin cậy hàng đầu về thời Tam quốc, sử gia Trần Thọ nhận định về Lưu Bị như sau: “Tiên chủ (tức Lưu Bị) là người khoan hồng, đức độ, có lòng tri nhân đãi sĩ, có phong phạm của Cao Tổ, là bậc anh hùng”.
Nói đến Lưu Bị là nói đến nhân nghĩa
Cách dùng người
Nếu nói về tài năng mưu lược, Lưu Bị không sánh được với Tào Tháo và Tôn Quyền, nhưng ông làm được việc không nghi ngờ thuộc hạ của mình. Với những văn thần võ tướng dưới trướng của mình, Lưu Bị đều vô cùng tin tưởng, hơn nữa có thể giao cho thuộc hạ của mình đầy đủ quyền lợi, đây cũng là một điểm thành công trong việc dùng người của ông.
Lấy một ví dụ, sau khi Lưu Bị mời Gia Cát Lượng xuống núi, ông đã giao rất nhiều việc lớn cho quân sư, rất hiếm khi can dự quyết định của Gia Cát Lượng, như vậy mới giúp mưu thần xuất sắc nhất thời bất giờ có cơ hội phát huy được tài năng của mình.
Thậm chí Lưu Bị còn gửi gắm con trai của mình cho Gia Cát Lượng chăm sóc, điều này cũng chứng tỏ tình cảm giữa ông và Gia Cát Lượng quả thật rất tốt, tất nhiên càng chứng tỏ được rằng ông vô cùng tin tưởng Gia Cát Lượng.
Chính bởi cách dùng người này của Lưu Bị mới có thể giúp ông lôi kéo được nhiều nhân tài như vậy trong thời điểm ấy, khiến những nhân tài này hết mình phục vụ cho ông.
Cũng chính bởi đặc điểm dùng người này của Lưu Bị mới có thể giúp ông từ một hoàng thúc sa sút tới mức phải đan giày cỏ trở hành vua của một nước.
Mộc Miên (T/h)