Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) trả lời về những thông tin mới liên quan đến tuyển sinh.
PV: Năm nay, trong quy chế tuyển sinh xuất hiện điểm mới là hàng loạt những tiêu chí dành cho thí sinh muốn vào ngành Sư phạm. Đơn cư như, học sinh giỏi mới được xét tuyển. Dư luận băn khoăn về điều này sẽ gây khó cho việc tuyển sinh và vấn đề nhân lực, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Thật ra, đó cũng là một trong những quy định để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo của ngành Sư phạm. Có thể số lượng trúng tuyển hoặc đăng ký xét tuyển sẽ ít đi, nhưng chúng tôi không sợ thiếu nhân lực.
Trong thời gian vừa qua, nguồn nhân lực đào tạo cho ngành Sư phạm đã khá dồi dào. Qua quá trình tham khảo ý kiến các trường, chúng tôi nhận thấy, những trường thiên về năng khiếu như: Sư phạm Nghệ thuật, sư phạm Mỹ thuật, sư phạm Thể dục thể thao, có thể đảm bảo chất lượng các môn văn hóa được lui xuống 1 bậc.
PV: Đầu vào yêu cầu cao trong khi đầu ra chưa được đảm bảo. Điều này là không ổn với chính người học?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Năm nay, chúng tôi sẽ cân đối chỉ tiêu với ngành Sư phạm trên cơ sở sử dụng giáo viên ở các địa phương trong những năm tới. Nếu như có sự lo lắng về đầu ra của ngành Sư phạm thì chúng ta hiểu rằng, đó là những chính sách, chế độ, sự tuyển dụng. Những điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cùng các Bộ, ban, ngành rà soát những chính sách để luật Giáo dục sửa đổi lần này sẽ hợp lý nhất cho giáo viên.
Khi chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên đã dựa vào nhu cầu sử dụng lao động thì tỉ lệ việc làm sau đại học sẽ được đảm bảo hơn. Đó là yếu tố thu hút các em học sinh giỏi vào trường sư phạm.
PV: Nếu giảm chỉ tiêu ngành Sư phạm, lượng giảng viên các trường đại học, cao đẳng có nguy cơ mất việc sẽ tăng lên. Bộ có tính đến phương án này ?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Với việc khảo sát thị trường, chúng tôi cùng với các trường sư phạm sẽ có được quy hoạch và định hướng phát triển, tuyển sinh của ngành Sư phạm; dự tính về quy mô đào tạo trong những năm tới... Trên cơ sở những quy hoạch có tính dài hơi hơn, các trường cũng có những kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp.
Chúng tôi cho rằng, một mình bộ GD&ĐT không bằng tất cả hiệu trưởng, giáo viên đều lo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để xây dựng chính sách, chất lượng, xây dựng thương hiệu trường mình. Vì vậy, chúng tôi yên tâm khi trao quyền đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào cho các trường. Các trường đều hiểu rằng, nếu không đi lên từ chất lượng sẽ tự hủy hoại mình.
PV: Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng sắp cận kề, xin bà có thể cho lời khuyên đối với thí sinh trước khi lựa chọn ngôi trường mình sẽ theo học?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức thật tốt, vững tin thì các em nên tham gia những ngày hội tư vẫn tuyển sinh tại địa phương, ở trường. Đây là dịp có thể tiếp xúc trực tiếp với các nguồn thông tin, là sơ sở để các em lựa chọn. Ví dụ như lựa chọn ngành học, lựa chọn trường học để hình dung ra môi trường học tập sau này, vị trí việc làm sau khi học có phù hợp với năng lực, điều kiện, nguyện vọng, đam mê hay không và chọn ngành cho chính xác.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Công Luân