Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, bất cứ ai chưa tiêm vắc xin phòng dịch sởi cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
56 tỉnh thành bùng phát dịch sởi
Từ tháng 10/2018 đến nay, cả nước ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, trường hợp mắc sởi tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 đến 5 năm.
Tránh mắc sởi, người dân cần lưu ý những gì?
Trước tình hình dịch sởi bùng phát, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân kể cả người lớn tuổi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Nếu cần thiết, hãy cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc cho trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch rất cần thiết, hạn chế tối đa việc mắc bệnh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, trẻ em nặng hơn người lớn vì dễ bị bội nhiễm, nhất là trong môi trường bệnh viện. Phụ nữ trước khi kết hôn, dự định sinh con nên đi tiêm: uốn ván, sởi, rubela, cúm, viêm gan B…
TS. Cường cũng khuyến cáo đối tượng có bệnh lý nền viêm phế quản, hen… hoặc cơ địa đặc biệt như mang thai… khi có triệu chứng mắc sởi cần phải vào viện để được theo dõi.
|
Triệu Vy