Theo India Times, chú rể Naresh Praska ở làng Partibeda (quận Rayagada, bang Odisha, Ấn Độ) được cho là sẽ đến làng Dibalpadu để tổ chức đám cưới. Gia đình đã hoàn thành tất cả nghi lễ truyền thống ở nhà trai.
Một baarat, đám rước dẫn chú rể đến địa điểm kết hôn ở nhà gái, cũng sẵn sàng lên đường vào ngày 16/3. Tuy nhiên, khi đến giờ hẹn, tất cả tài xế được thuê đều đình công.
Chú rể kể lại: “Chúng tôi đã thuê ít nhất 4 xe Bolero cho đám rước baarat và tính toán sao cho đến nhà cô dâu lúc 16h. Tuy nhiên, toàn bộ lịch trình bị xáo trộn khi các tài xế từ chối xuất hiện nhằm tham gia cuộc đình công”.
Crisis24 đưa tin, từ ngày 15/3, nhiều công đoàn đại diện cho các tài xế vận tải hành khách đã phát động một cuộc đình công vô thời hạn tại bàng Odisha nhằm yêu cầu một số điều kiện, trong đó có thành lập quỹ phúc lợi.
Chú rể đi bộ 28km xuyên đêm để kịp đến nhà cô dâu cử hành hôn lễ. Ảnh minh họa: Tanay Hira/Pexels
Do mọi nghi lễ ở nhà riêng đã hoàn tất và đám cưới sẽ diễn ra vào 3h30 ngày 17/3, đám rước baarat gồm 30 thành viên đành đi bộ 28km xuyên đêm để kịp đến ngôi làng nơi cô dâu sinh sống.
Xe máy được dùng để vận chuyển một số hành lý và vật dụng cần thiết cho đám cưới. Cả đoàn khởi hành vào khoảng 18h ngày 16/3 và đến làng Dibalpadu lúc 2h ngày 17/3, vừa kịp tổ chức đám cưới.
“Đó là một hành trình rất thú vị và không ai thấy căng thẳng, uể oải cả bởi cộng đồng bộ lạc của chúng tôi đã quen với việc đi bộ đường dài”, chú rể nói. Thời gian gần đây, câu chuyện đi bộ vượt quãng đường 28km để cưới vợ của anh đã trở thành tâm điểm trong các cuộc trò chuyện ở quận Rayagada.
Trước đó, chú rể ở Vi Sơn (Tế Ninh, Sơn Đông, Trung Quốc) cũng sử dụng phương tiện đặc biệt để đi rước dâu. Đoạn video đám cưới cho thấy, chú rể mặc lễ phục cưới truyền thống, đầu đội mũ rộng vành, đeo một bông hoa to trước ngực, cưỡi ngựa đến địa điểm tổ chức đám cưới.
Mặc dù đã 78 tuổi nhưng chú rể vẫn rất khỏe mạnh và phong độ, vui vẻ vẫy tay chào mọi người xung quanh. Trong khi đó, cô dâu 48 tuổi mặc bộ đổ màu đỏ, trang điểm xinh đẹp, ngồi trên chiếc kiệu ngay sau chú rể.
Nhà của chú rể được trang trí toàn màu đỏ để tăng thêm không khí. Đám cưới được tổ chức khá long trọng trong 2 ngày, mời nhiều người tham dự.
Theo Sohu, cô dâu đến từ Tảo Trang (Sơn Đông), gặp mặt chú rể lần đầu tại một nhà hàng. Hai người sau đó dần nảy sinh tình cảm và quyết tâm đến với nhau bất chấp khoảng cách tuổi tác. Trước khi tổ chức đám cưới, cô dâu và chú rể đã chung sống với nhau khoảng 6 năm.
Ông Fang, một người sống gần nhà chú rể chia sẻ, vì hiếu kỳ nên ông đã lập tức chạy đến xem khi nghe tin chú rể 78 tuổi làm đám cưới. Chú rể là con thứ 3 trong nhà, gia cảnh chỉ ở mức bình thường. Cả cô dâu và chú rể đều rất tốt tính, được người xung quanh yêu quý, tôn trọng.
Trang 163 tiết lộ, đây là cuộc hôn nhân đầu tiên của chú rể. Cả đời ông sống ở quê, dựa vào đồng ruộng, con gà con vịt, thỉnh thoảng mùa màng bội thu, ông lại tích cóp được chút tiền. Hiểu rõ hoàn cảnh của chú rể, cô dâu không đòi hỏi điều gì quá đáng, bằng lòng về làm vợ ông.
Đinh Kim (T/h)