Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại: "Những cuộc lật đổ" Hoa hậu Việt Nam

(DS&PL) -

Một cuộc thi sắc đẹp - ứng viên thường nổi lên từ đầu song cũng có hồi, nó gay cấn như một trận bóng chỉ phân giải được vào phút chót.

Một cuộc thi sắc đẹp - ứng viên thường nổi lên từ đầu song cũng có hồi, nó gay cấn như một trận bóng chỉ phân giải được vào phút chót.

Lưu Bảo Anh, Á hậu 1 cuộc thi năm 2006. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Á hậu là ai?

Khoảng đầu năm 1991, tôi may quần áo ở nhà may Ngọc Long có tiếng, phố Đồng Nhân. Thường thấy một cô gái nét đẹp sắc sảo ngồi góc nhà, là con dâu chủ nhà, Á hậu (năm đó gọi là cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc, 1990) Trần Thu Hằng lên ảnh rất ăn, bên ngoài nhìn hơi lạnh.

Khi ấy tôi chưa về báo Tiền Phong, đến báo chơi, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn hỏi dư âm hoa hậu, tôi thuật: Nhiều người nói không biết có phải Diệu Hoa (vừa đăng quang,1990) không ăn ảnh hay sao mà lên ảnh và ti vi không đặc biệt lắm, có khi các á hậu còn nổi hơn.

Anh Sơn: “Ma chê cưới trách. (cuộc này) Nó không là đám ma thì là đám cưới vậy” (Ý nói khó được lòng tất cả).

Á hậu, đó là những người có thể át hoa hậu về điều này điều nọ nhưng sau khi cộng trừ thì họ vẫn thiếu thiếu một cái gì đó để có thể đăng quang.

Khi thi, Trần Thu Hằng là diễn viên múa, Diệu Hoa - sinh viên ngoại ngữ còn Trần Vân Anh (TPHCM) vào mắt giám khảo Lê Vân, chị quyết liệt bảo vệ cô ở ngôi cao nhất nhưng nhiều năm trôi qua, Diệu Hoa chứng tỏ cô xứng đáng.

Mới đây NSƯT Thanh Tú phát biểu, ấn tượng với Vi Thị Đông năm mà bà ngồi ghế giám khảo chấm cho cô là Hoa khôi phía Bắc để rồi Á hậu 1. Buổi đầu đến đăng ký, Đông làm các chị em tòa soạn xôn xao bởi vẻ đẹp khỏe mạnh tươi tắn, còn tôi soi kỹ cổ chân của Đông, trêu “Đi tàu Thống Nhất bị tăng bo à”.

Chả là nó không được thon lắm trong khi Hà Kiều Anh mới 16 tuổi, chưa phát triển hết nhưng giải phẫu hình thể kiểu Tây, vòng nào ra vòng nấy và cặp chân thì nói như NSND Lan Hương - giống com-pa, thẳng và nhọn.

Vũ Minh Thúy năm 1996 cũng đẹp khỏe mạnh như Vi Thị Đông nhưng cô bị mất điểm khi cất giọng. Phong cách có phần mộc mạc quá. Còn Hoàng Oanh (TPHCM, 2002) trông đẹp, sang nhưng thi ứng xử bị thua Phạm Mai Phương, thua luôn cả học vấn thế là đành lùi xuống ngôi thứ hai.

Khi Nguyên Minh Phương, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội đăng ký thi, nhiều người nhận xét “quá tự tin” dù cô có một khuôn miệng đặc biệt duyên khi nói chuyện.

Từ TPHCM trở ra với dư âm đêm chung kết năm 1992, các thành viên Ban tổ chức kể, không thể ngờ cô lại biến đổi đến thế vào thời khắc quyết định. Phương vừa xuất hiện trong trang phục phụ nữ dân tộc Thái, khán giả đứng dậy reo hò! Cô đã tự làm cuộc lật đổ các ứng viên khác một cách ngoạn mục mà đoạt lấy ngôi Á hậu 2.

Chuyện phút 89

Năm 2006, vòng sơ khảo phía Bắc đến hồi kết thúc mà không thấy nổi lên gương mặt nào. Phút chót Mai Phương Thúy xuất hiện, da dẻ không được sáng lắm nhưng rõ ràng trông khác hẳn các thí sinh kia. Tôi nói với Trưởng Ban giám khảo Dương Xuân Nam “Có ứng viên đây rồi” thì ông bảo “Vào Nha Trang gặp Lưu Bảo Anh rồi hẵng phát biểu”.

Ở Nha Trang, Thúy và Bảo Anh, không hiểu thực tâm đến đâu, cứ đùn ngôi hoa hậu cho nhau, nói mình ít cơ hội hơn và - rõ ràng nắm được cục diện - không hề tính đến các thí sinh khác. “Chắc em không được đâu vì em hơi Tây” - Thúy nói.

Còn Lưu Bảo Anh chỉ có một nhược điểm nhỏ là khi cười hơi hở lợi và độ cong vòng 3 chưa hoàn hảo, còn thì cô là một trong vài thí sinh quyến rũ nhất lịch sử 26 năm báo Tiền Phong thi sắc đẹp. (Nên nhớ có những người đẹp nhưng không quyến rũ).

Cứ một hai ngày, Ban tổ chức và Ban giám khảo lại nhận được - qua khe cửa, một lá đơn tố cáo Lưu Bảo Anh. Giám khảo Diệu Hoa chỉ mặt một nhà thiết kế “Trò của anh phải không”. Diệu Hoa là khách may của anh này, dịp này anh đến Vinpearl để úy lạo một ứng viên. Ban tổ chức phải đau đầu, cho người đi xác minh ở Cần Thơ quê của Bảo Anh. Chẳng vấn đề gì. Nhớ lại để thấy, cuộc thi như Hoa hậu Việt Nam không chỉ có êm đềm thuần phác.

Đó là năm điển hình có hai ứng viên. Trong khi các giám khảo Nguyễn Công Khế, Nguyễn Diệu Hoa... chấm Bảo Anh thì giám khảo Trà Giang có vẻ ủng hộ Thúy. Nói chung tỷ số nghiêng về Bảo Anh.

Đêm chung kết vừa bắt đầu, MC xướng tên người được khán giả bầu chọn qua mạng - Mai Phương Thúy. Lập tức Lưu Bảo Anh mất tinh thần. Cô chưa đủ kinh nghiệm để hiểu rằng đó là một giải độc lập, không thể chi phối kết quả đêm thi. Sau này Ban tổ chức rút kinh nghiệm, giải khán giả bình chọn nếu có, sẽ công bố vào phần cuối chứ không phải đầu chương trình.

Sự mất tinh thần khiến Lưu Bảo Anh trình diễn không nổi, đi đứng chung chiêng. Cô lại mặc chiếc váy ánh bạc lấp lóa, làm mờ đi những đường nét hấp dẫn. Về sau, mấy thành viên giám khảo đều thừa nhận với tôi rằng ngoài điều đó ra, khán giả tại chỗ cứ hô tên Thúy khiến họ mất tinh thần nốt, mà nương theo!

Đây là cuộc đổi ngôi hiếm hoi trong lịch sử hoa hậu do báo Tiền Phong tổ chức. Một chiến thắng phút 89. Còn thì có những cuộc, ứng viên cứ thẳng tiến tới ngôi cao nhất, như Nguyễn Thiên Nga năm 1996.

Ngay sau khi Nga đăng quang Hoa hậu Toàn quốc, có một cuộc thi sắc đẹp tầm thế giới lần đầu tổ chức trong nước. Đồn rằng Ban tổ chức gần như hứa với Thiên Nga cô sẽ vào top 3 thì cô mới thi và kết quả chung cuộc đúng là như thế!

Có một thí sinh được Trưởng Ban tổ chức kiêm Trưởng Ban giám khảo bao năm - Dương Xuân Nam ca ngợi nhất trong đời chấm thi sắc đẹp của ông: Hồng Yến. Có lúc cô lên sân khấu trình diễn với bộ đồ bà ba “mười tám thôn vườn trầu”.

Trong phần thi ứng xử - hồi đó top 10 thi ứng xử, không phải top 5 như bây giờ - Hồng Yến được gọi khá sớm. Cô trả lời xong, một thành viên ban nhạc sống (diễn phục vụ đêm thi) đứng ở cánh gà, tiếc rẻ “Em ơi, em đứng thứ 9 nhé”. Cuối cùng, cô còn không đoạt nổi Á hậu!

Theo Báo Tiền Phong

Tin nổi bật