Thông tin từ báo Dân Trí, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/9, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã trả lời câu hỏi vì sao năm nào cũng phải lập phương án xin nghỉ Tết Nguyên đán mà không quy định thống nhất cho nhiều năm.
Lịch nghỉ Tết âm lịch sẽ không cố định qua các năm mà chọn phương án tối ưu nhất theo từng năm. Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết vấn đề này không phải lần đầu tiên được đưa ra mà đã nêu nhiều năm.
Theo ông Thanh, thực tế cho thấy ngày nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh không cố định qua các năm, đồng thời xen kẽ ngày nghỉ hàng tuần là thứ 7, chủ nhật, nên phải đưa ra phương án nhằm lựa chọn phương án phù hợp, tối ưu nhất.
Cùng với đó, phương án nghỉ phải có lợi cho người lao động hoặc đa số đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các đối tượng.
"Bộ không thể quyết định phương án nào mà thường phải đưa ra phương án tối ưu, cụ thể trên căn cứ thực tiễn. Từ đó xin ý kiến bộ, ngành, đơn vị, đồng thời tổng hợp để làm sao đưa ra phương án tối ưu nhất", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói và cho biết Bộ hướng tới khối cán bộ, công chức, viên chức nên việc tổ chức lấy ý kiến cũng gọn nhẹ, đơn giản, tránh lãng phí.
Trước đó, thông tin từ báo Tuổi trẻ, Bộ Nội vụ đã thống nhất phương án 1 về nghỉ Tết Nguyên đán 2024 theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024. Ảnh sưu tầm
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức sẽ nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 29 tháng chạp (tức thứ năm ngày 8/2/2024 dương lịch) đến mùng 5 tháng giêng (tức thứ tư ngày 14/2/2024 dương lịch).
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ không lựa chọn phương án người lao động nghỉ Tết Nguyên đán 2024 từ thứ sáu ngày 9/2/2024 (tức 30 tháng chạp) đến ngày 15/2/2024 (mùng 6 tháng giêng).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phương án 1 đảm bảo hài hòa về thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Tuy nhiên đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2024 trên chỉ hướng tới khối công chức, viên chức. Đối với người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo "mở" quy định, khuyến khích áp dụng vì nhiều công ty có lao động xa nhà, có lịch sản xuất đặc thù…
Như vậy, doanh nghiệp có quyền tự quyết lịch nghỉ Tết âm lịch căn cứ vào phương án do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, song phải thông báo trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày để người lao động chủ động mua vé tàu, vé xe, sắp xếp công việc.
Nguyễn Linh (T/h)