Theo VTC News, sáng 10/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Ông khẳng định, dự thảo luật đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 lần này không chỉ là bước hoàn thiện thể chế mà còn là lời cảnh báo mạnh mẽ tới những KOL, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đang lợi dụng mạng xã hội để chuyển tải nội dung quảng cáo sai sự thật, không kiểm chứng và trốn tránh trách nhiệm.
“Lần đầu tiên, một đạo luật chính thức gọi tên và xác lập trách nhiệm pháp lý đối với 'người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng'. Điều này mở ra giai đoạn mới của quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trên không gian mạng đang đầy biến động và dễ bị lợi dụng", ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.
Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ đến các mô hình đầu tư tài chính đa cấp, sàn ảo, ứng dụng lừa đảo đều từng được tiếp tay bởi những lời quảng bá hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở của người nổi tiếng. Ảnh minh họa: Thời báo VTV
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, trong nhiều năm qua, môi trường mạng xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động quảng cáo trá hình núp bóng trải nghiệm cá nhân, đánh vào lòng tin người tiêu dùng qua hình ảnh các KOL, người nổi tiếng.
Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cho đến các mô hình đầu tư tài chính đa cấp, sàn ảo, ứng dụng lừa đảo đều từng được tiếp tay bởi những lời quảng bá hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở của người nổi tiếng.
Vì vậy, Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi không chỉ thừa nhận vai trò ngày càng lớn của mạng xã hội mà còn trực tiếp siết chặt trách nhiệm người có ảnh hưởng. Người chuyển tải nội dung quảng cáo sẽ bị buộc phải xác minh độ tin cậy của đối tác, kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi đồng ý quảng bá.
Họ cũng phải công khai thông báo với người tiêu dùng rằng họ đang thực hiện hành vi quảng cáo; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ sản phẩm thì không được phép giới thiệu.
Việc xác lập trách nhiệm pháp lý này nhằm chấm dứt tình trạng "trắng pháp luật" mà lâu nay các KOL dựa vào để phủi bỏ trách nhiệm về hậu quả xã hội sau quảng cáo sai lệch. Khi luật được ban hành và thực thi, các hành vi né tránh nghĩa vụ thuế, lợi dụng uy tín cá nhân để quảng cáo sản phẩm vi phạm đều có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Thời báo VTV, cho ý kiến thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, quảng cáo trên nền tảng số đang có sự tham gia của nhiều KOL, những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực, ngành nghề đối với xã hội. Đây là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt dư luận, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người khác.
Ví dụ như người nổi tiếng, người làm nội dung trên nền tảng mạng xã hội có nhiều người dùng ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau như YouTuber, Tiktoker, Facebooker, KOC… có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Những người này trải nghiệm và đưa ra các đánh giá, nhận xét chủ yếu theo quan điểm và góc nhìn cá nhân với kiến thức trải nghiệm chân thật tạo sự tin tưởng từ khách hàng nhất là trong các chiến dịch marketing.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, các mặt hàng tiêu dùng xã hội từ xa xỉ đến thiết yếu, thậm chí là những sản phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày, không chỉ là vấn đề được xã hội quan tâm mà ít nhất đã được hai lần thể hiện trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XV.
Trong dự thảo luật lần này đã quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo, người truyền tải sản phẩm quảng cáo là những người có ảnh hưởng. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo bởi nó tác động trực tiếp của nó đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
"Tôi đề nghị nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh, bình đẳng. Đồng thời cần rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý, nhất là những người có ảnh hưởng", đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề xuất.
Ngoài ra, nữ đại biểu cho rằng cần có cơ chế quản lý nghiêm đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng. Những người này làm trong các cơ quan, tổ chức, khi vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật thì các cơ quan, tổ chức đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Cùng với đó, cần sửa đổi quy chế hoạt động nội bộ, quy định cụ thể về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo và quy định rõ các hình thức xử phạt.
Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm hội đồng thẩm định quản lý quảng cáo để đảm bảo các cơ quan liên quan đều phải có trách nhiệm.
Về quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo trên mạng xã hội là xu thế tất yếu song cần đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động quảng cáo. Quy định rõ trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm liên đới và nghĩa vụ bồi thường của người nổi tiếng nếu quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, theo tạp trí Tri Thức,
Đại biểu Trần Khánh Thu nêu thực tế, thời gian qua nhiều vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả dù đã có đầy đủ giấy tờ kiểm định nhưng sau điều tra vẫn bị xác định là hàng giả. Trong khi đó, các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ tham gia quảng cáo lại không đủ khả năng kiểm chứng các tài liệu liên quan đến sản phẩm.
Do vậy, đại biểu Trần Khánh Thu đặt vấn đề về tính khả thi của quy định yêu cầu người nổi tiếng phải tự kiểm tra thông tin sản phẩm, cũng như cách thức thông báo trước cho người tiêu dùng rằng họ đang thực hiện quảng cáo.
"Việc thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ như thế nào, phải chăng là viết lên Facebook, đăng lên TikTok, YouTube nói tôi chuẩn bị sẽ quảng cáo cho nhãn hàng này, sản phẩm kia", đại biểu nói và đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn.
Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung cơ chế xử lý trách nhiệm liên đới và bồi thường với người nổi tiếng khi quảng cáo sai sự thật. Ngược lại, nếu họ đã thực hiện đầy đủ việc thẩm định dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp thì sẽ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp/sản xuất phải chịu trách nhiệm chính.
Đại biểu Trần Khánh Thu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Khánh Thu nêu dẫn chứng tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu người nổi tiếng công khai mối quan hệ tài chính với nhãn hàng và phải đảm bảo nội dung quảng cáo trung thực, không gây hiểu lầm.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, quốc gia này cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội, nếu vi phạm có thể bị phạt tối đa 500 triệu won (khoảng 9,3 tỷ đồng - tính theo tỷ giá tối 10/5). Nước này cũng cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Từ các ví dụ trên, đại biểu Trần Khánh nhấn mạnh quy định nghiêm ngặt là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn tính minh bạch và uy tín của người tham gia quảng cáo.
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu quy định rõ ràng để xử lý "người có ảnh hưởng".
Bên cạnh người có trình độ, chuyên môn, người có ảnh hưởng còn là nhân vật trên mạng xã hội luôn tìm cách gây sự chú ý, có cả người mẫu, ca sĩ, diễn viên, người tạo scandal để nổi tiếng. Ông cho rằng phải siết chặt quản lý quảng cáo đối với nhóm này.
"Người nào khả năng chuyên môn liên quan mới quảng cáo được. Hoa hậu, diễn viên được mời quảng cáo vì hình ảnh đẹp, có nhiều người theo dõi nhưng họ sẽ không có kiến thức về sản phẩm", đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.