Theo báo Người lao động, sáng 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trình bày tờ trình về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo luật đã đưa ra các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể tổ chức tín dụng (TCTD).
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ảnh: Phạm Thắng/NLĐ
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Cụ thể, Điều 144 dự thảo luật đã quy định 6 trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm.
Thứ nhất, không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả như quy định tại luật này trong thời gian 3 tháng liên tục;
Thứ hai, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại luật này trong thời gian 6 tháng liên tục;
Thứ ba, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Thứ tư, xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của NHNN;
Thứ năm, có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN;
Thứ sáu, bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của NHNN.
Báo Lao động đưa tin, dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua.
Theo đó, dự thảo Luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.
Liên quan đến hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.
“Việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng”, báo Tiền Phong dẫn lời bà Hồng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Việc luật hóa quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm tại luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp giữa TCTD và bên có tài sản bảo đảm, trong đó điều kiện tiên quyết là có sự đồng ý cho phép thu giữ tài sản của chủ tài sản.
Việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải thu giữ “vô điều kiện” mà tổ chức thực hiện thu giữ phải tuân thủ pháp luật và các điều kiện thu giữ quy định tại Luật.
Vân Anh (T/h)