Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam đã làm việc với Nguyễn Kiên Q. (SN 1982, trú tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Q. là đối tượng đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng.
Công an tỉnh Hà Nam làm việc với Nguyễn Kiên Q.
Thông tin từ cơ quan chức năng, đối tượng này sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc hàng loạt người dân rút tiền tại các ngân hàng, từ đó tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Qua làm việc, Nguyễn Kiên Q. đã thừa nhận hành vi tự ý soạn thảo, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt nói trên. Hành vi của Nguyễn Kiên Quyết là vi phạm pháp luật, Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang cho biết: Đăng thông tin thất thiệt, hay còn gọi là tin giả, tin rác hoặc tin tức giả mạo, là các thông tin giả được lan truyền qua phương tiện truyền thông truyền thống (như in và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến (như Facebook, Youtube, Lotus,…)
Mặc dù nhiều đối tượng đã bị cơ quan chức năng xử lý, song vẫn có không ít người “đi vào vết xe đổ”.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang.
Lý do nhiều người tung tin giả, theo Luật sư cho thì có nhiều người thích “câu like”, được trở thành người quan trọng trong mắt người khác. Đời sống trên mạng xã hội đối với nhiều người quan trọng hơn cả đời sống thực. Nhu cầu được hỏi han, quan tâm, tung hô…trên mạng xã hội trở nên vô cùng quan trọng đối họ. Họ làm tất cả, thậm chí tung tin giả để được like, share, nhằm chứng minh giá trị của mình.
Hoặc cũng do trình độ nhận thức hạn chế, tung tin cho vui, không nghĩ đến hậu quả. Những người này thường ở độ tuổi thanh thiếu niên. Họ có sở thích phao tin đồn nhảm, không có bất kì kiểm chứng nào chỉ để cho vui, họ không hề biết hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.
Cũng có đối tượng tung tin giả có chủ đích, nhằm gây mất trật tự, an ninh xã hội, kích động người dân. Nhiều tổ chức phản động cài cắm trên mạng xã hội lợi dụng sự hiếu kỳ của nhiều người để tung tin thất thiệt nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước. Những tin đồn dạng này gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, là dạng thông tin giả nguy hiểm nhất.
Về chế tài xử lý người đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt trên mạng xã hội ra sao? Cùng trao đổi về nội dung này, Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết:
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Nghiêm trọng hơn thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Luật sư Tiệp cho biết: Chế tài hình sự được áp dụng đối với cá nhân vi phạm nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định. Hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đang có hiệu lực thi hành, quy định một số tội liên quan đến các hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, trái pháp luật lên mạng xã hội. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ, loại hành vi mà sẽ phạm một tội hoặc một số tội theo quy định của Bộ luật này.
Theo Luật sư Tiệp, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;…”.
Hoặc có thể bị xử phạt về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, quy định tại Điều 288, BLHS: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;…”.