Tiền Phong dẫn lời TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP. HCM) chia sẻ, độ khó đề môn Toán năm nay thể hiện ở khả năng tư duy, lập luận, đọc hiểu, hiểu bản chất toán học, mô hình hóa toán học. Một số câu hỏi hơi lạm dụng vấn đề này trong khi nên đi thẳng vào toán học. Việc này khiến thí sinh tốn khá nhiều công sức để hiểu vấn đề.
Vì vậy thí sinh cho rằng đề thi khó, nhưng khó là vì dài, chứ không phải khó vì kiến thức. Nhiều câu hỏi đưa bối cảnh cần được tiết chế.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Tiền Phong.
TS Trần Nam Dũng cũng cho rằng, đối với những câu hỏi thực tế, nội dung “thực tế” đúng nghĩa rất ít, chủ yếu là vỏ bọc. Cụ thể như bài toán tổ hợp là một thực tế lạ lùng, dù về mặt tư duy khá tốt để phát triển năng lực mô hình hóa toán học.
GS.TS Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Toán học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thông tin, năm 2017, khi ông tham gia soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Toán trong hoàn cảnh Bộ GD&ĐT vừa triển khai mô hình thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia (mà kết quả của nó dùng đề xét tuyển vào đại học).
“Ý kiến của chúng tôi là chương trình có tốt đến đâu thì cũng vô nghĩa nếu khâu đánh giá không được thực hiện tốt”, ông Hải nói. Ông Hải nêu một số yêu cầu cần đạt trong chương trình môn Toán, như về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung; về năng lực đặc thù.
Ông cho biết, một mặt vẫn phản đối việc tổ chức hình thức thi trắc nghiệm (kể cả hình thức “trả lời ngắn” mà bản chất chỉ là điền đáp số) cho một kỳ thi mà kết quả của nó có thể dùng để xét tuyển đại học. Bởi vì cách thi đó không thể đánh giá khách quan và toàn diện năng lực tư duy và lập luận toán học của học sinh- một trong năm năng lực đặc thù của môn Toán được xác định trong chương trình 2018. Điều này khiến cho công tác bồi dưỡng năng lực này trở nên méo mó, ảnh hưởng tới chất lượng sinh viên các trường đại học - một điều đã được khẳng định ở dạng “ai cũng biết chỉ Bộ không biết”.
Mặt khác ông cho rằng, trong hoàn cảnh đề thi vẫn phải làm những nhiệm vụ đang có, (thì) đề thi THPT 2025 có nhiều tiến bộ đáng khen ngợi, nó góp phần khiến kỳ thi “trở nên có ích hơn” đối với mỗi học sinh - đây là điều mà ông trăn trở từ hàng chục năm qua.
Ông Hải đưa ra góp ý đối với Ban đề thi của Bộ GD&ĐT rằng, không nên khiên cưỡng việc phát triển một bài toán thuần túy toán học dưới ngôn ngữ “thực tế” - đó không phải là cách giúp học sinh phát triển năng lực “mô hình hóa toán học”. Các bài toán về mô hình hóa toán học cần xuất phát từ những câu hỏi, vấn đề cụ thể cần giải quyết trong thực tế.
Chia sẻ trên Vnexpress, TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, tốt nghiệp tại Anh và hơn chục năm làm việc ở các trường song ngữ, quốc tế nói đã thử làm mã đề 1105. Với trình độ tiếng Anh khoảng B2 (bậc 4/6), cô Huyền làm đúng 32/40 câu.
Theo cô, bài đọc với chủ đề "greenwashing" (tẩy xanh hoặc giả xanh, ám chỉ hành động che giấu sự thật về môi trường) khó về từ vựng, cấu trúc câu, cách đặt câu hỏi và các đáp án bẫy "rất tinh vi". Quá trình làm, cô chọn đi chọn lại nhưng vẫn mất gần hết điểm bài này. Bài đọc về chủ đề "project farming" (dự án nông nghiệp) cũng không kém.
Đề thi môn tiếng Anh nặng về từ vựng. Ảnh: Vnexpress.
Về tổng thể, cô thấy khoảng 30-35% câu đòi hỏi thí sinh có trình độ trên B1 mới có thể làm được. Trong khi đó, theo khung chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuẩn đầu ra môn Tiếng Anh của học sinh lớp 12 là B1, tương đương bậc 3/6.
"Độ khó của đề vượt chuẩn đầu ra của chương trình", cô Huyền khẳng định.
TS Ngôn ngữ học giáo dục Nguyễn Thanh Thúy, khoa Tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội, chung quan điểm. Nữ giảng viên cho biết đã sử dụng khung phân tích Lexile (công cụ phổ biến trên thế giới để đo độ khó của một văn bản, dựa trên độ dài câu trung bình và độ khó của từ vựng). Kết quả cho thấy, các bài đọc hiểu của đề thi tốt nghiệp ở mức C1, tức bậc 5/6.
"Điều này nghĩa là chỉ riêng việc đọc và hiểu, thí sinh phải có trình độ C1 trở lên thì mới 'thấm' được nội dung văn bản. Từ đó, các em mới dùng các kỹ năng, kỹ thuật để trả lời câu hỏi", cô Thúy nói.
Phân tích kỹ hơn, cô cho biết ngoài việc dùng nhiều câu dài, các bài đọc của đề thi tốt nghiệp có nhiều từ, cụm từ ở trình độ cao. Điểm chung của chúng là độ trừu tượng lớn, muốn hiểu rõ phải nắm bắt được định nghĩa hoặc diễn giải theo ví dụ.
Không chỉ thế, chúng thường kết hợp với một số từ khác thành các cụm cố định, ví dụ "idioms" (thành ngữ) trong ngôn ngữ nói, hoặc các "collocations" (nhóm từ) trong văn viết, làm tăng sắc thái cho diễn ngôn, khiến chúng trở nên trang trọng hơn, hoặc hài hước hơn. Ở tầm cao hơn nữa là dùng những từ, cụm từ này mang nghĩa chuyển, nghĩa bóng nhằm bóng gió gửi gắm thông điệp.
Trong đề thi có một loạt cụm từ như vậy. Như trong bài về Nông nghiệp và công nghệ, cụm "curb chemical runoff" sử dụng nghĩa bóng của từ "curb" (nghĩa gốc là lề phân định giữa đường đi bộ và đường cho xe chạy), ý của người viết là cần phải phân định rõ ràng nhằm giảm thiểu sự rò rỉ hóa học.
Hay trong bài "Greenwashing", cách dùng cụm "sleight of hands" (sự khéo léo của bàn tay trong ảo thuật) khi đề cập tới chiêu thức truyền thông là ẩn dụ so sánh với ngầm ý tố cáo dụng ý lừa phỉnh... Thí sinh ở trình độ hiểu giao tiếp thông thường, đơn giản với vốn từ còn hạn hẹp ở trình độ B1 sẽ khó nắm bắt, kể cả khi có từ điển trong tay.
Nhiều cụm nữa có thể kể đến là "accelerate the decision-making process", "data analytics are used to optimise agricultural practices", "green paint-sprayer", "soothing lullaby", "comforting half-truths", "risk adds an edge of excitement", "seek shelter in reliability"...
Dạy ở bậc phổ thông, thầy Mai Thành Sơn, giáo viên Tiếng Anh, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận xét đề minh họa của Bộ dùng hoàn toàn ngữ liệu trong các bộ sách giáo khoa, nhưng đề thi thì ngược lại.
"Sách giáo khoa hiện tại khó có bộ nào đáp ứng được yêu cầu về độ khó của đề tốt nghiệp. Đầu ra của lớp 12 là B1, nhưng đề chắc chắn khó hơn C1", thầy Sơn nhận định. Thầy cho biết nhiều học trò chuyên Anh với trình độ 8.0-8,5 IELTS, SAT từ 1500 (top 1% thế giới) ước chừng đạt 8-9,5 điểm thi tốt nghiệp.