Theo Tạp chí Tri thức, 4 mã sản phẩm trong diện thu hồi là model A1257 (dung lượng pin 10.000 mAh, công suất sạc 22,5 W), A1647 (20.000 mAh, 22,5 W tích hợp dây USB-C), Anker Zolo A1681 (20.000 mAh, 30 W, tích hợp cáp USB-C và Lightning) và Anker Zolo A1689 (20.000 mAh, 30 W, tích hợp cáp USB-C và Lightning).
Số lượng thiết bị thuộc diện thu hồi, theo hãng công bố là 30.927 sản phẩm.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhà phân phối độc quyền của Anker là Trung tâm phân phối Viettel (Viettel Distribution) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trung Việt Tín. Hai đơn vị cung ứng sản phẩm đến các nhà bán lẻ tại nhiều tỉnh và thành phố trên toàn quốc.
Anker triển khai chương trình thu hồi hàng triệu sản phẩm trên toàn cầu. Ảnh: Handyman/ZNews
Trước đó tối 27/6, Anker Việt Nam cho biết sẽ thu hồi “tự nguyện” một số mẫu pin sạc dự phòng đang bán tại Việt Nam. Theo thông tin từ hãng, đây là biện pháp tăng cường ngăn ngừa rủi ro trong quá trình sản xuất.
Người dùng nghi ngờ có thể kiểm tra mã thiết bị nằm ở đáy hoặc cạnh sạc dự phòng. Nếu trùng các model nói trên, khách hàng điền mẫu đơn thu hồi trực tuyến từ hãng để được tiếp nhận xử lý. Phương án từ công ty đưa ra là đổi sản phẩm mới có công nghệ tương đương, không có nguy cơ lỗi hoặc phiếu mua hàng giá trị ngang bằng để mua trực tuyến.
Thông tin trên VnExpress, Anker là công ty điện tử Trung Quốc thuộc sở hữu của Anker Innovations, do cựu kỹ sư Google Steven Yang thành lập năm 2011. Sản phẩm của công ty gồm củ sạc, sạc dự phòng, cáp sạc và cổng sạc, cũng như thiết bị gia dụng thông minh, máy chiếu video cầm tay, tai nghe Bluetooth và loa. Tại Việt Nam, Anker là thương hiệu phụ kiện được nhiều người biết tới.
Tại Trung Quốc, Anker cùng một loạt nhà cung cấp phụ kiện khác như Baseus, Aukey, Xiaomi, Ugreen và Romoss đã đưa ra chính sách thu hồi pin. Theo Notebookcheck, những sản phẩm bị ảnh hưởng đều sử dụng cell pin của Amprius - công ty có trụ sở tại Fremont, California, chuyên về nghiên cứu công nghệ và sản xuất pin.