Đóng

Kỳ thi tuyển sinh đại học gắt gao chưa từng thấy tại Trung Quốc: Các công cụ AI bị chặn giải đề như thế nào?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Trong thời gian diễn ra kỳ thi đại học, nhiều nền tảng AI tại Trung Quốc đã chủ động tạm dừng một số chức năng để ngăn chặn gian lận.

Daily Mail đưa tin, mới đây, hơn 13 triệu học sinh Trung Quốc đã đổ về các phòng thi trên khắp cả nước để tham dự kỳ thi gaokao - kỳ thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khắc nghiệt nhất thế giới. Kéo dài trong hai ngày, kỳ thi này được coi là “cửa ngõ” quyết định tương lai của hàng triệu thanh thiếu niên, đòi hỏi họ phải chuẩn bị và ôn luyện suốt nhiều năm.

Tuy nhiên, áp lực học tập không phải là thách thức duy nhất mà các thí sinh phải đối mặt trong năm nay. Họ còn phải vượt qua hệ thống kiểm soát gian lận nghiêm ngặt bậc nhất từ trước đến nay.

Chính quyền Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp công nghệ cao nhằm đảm bảo tính công bằng, bao gồm nhận diện khuôn mặt, máy dò kim loại, thiết bị chặn tín hiệu điện thoại, máy bay không người lái và hệ thống giám sát AI.

Gian lận thi cử ở Trung Quốc có thể bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa

Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn cũng vào cuộc. Trong thời gian diễn ra kỳ thi, nhiều nền tảng AI tại Trung Quốc đã tạm dừng một số chức năng để ngăn chặn gian lận. Khi học sinh cố gắng tải ảnh đề thi lên, hệ thống sẽ tự động thông báo tính năng này không khả dụng.

Tencent - tập đoàn công nghệ khổng lồ - đã giải thích rõ ràng rằng, việc tạm dừng các chức năng này nhằm “đảm bảo tính công bằng” cho kỳ thi gaokao. Bot trò chuyện của Tencent thông báo: “Kính gửi người dùng, để đảm bảo tính công bằng của kỳ thi gaokao, chức năng này sẽ không khả dụng trong giờ thi. Chúc các thí sinh đạt kết quả tốt nhất". 

Tương tự, mô hình AI DeepSeek cũng khóa tính năng nhận diện ảnh trong thời gian thi. Khi được hỏi lý do, chatbot của DeepSeek trả lời: “Để đảm bảo công bằng cho kỳ thi gaokao và các kỳ thi quan trọng khác, chúng tôi tạm dừng chức năng này và sẽ khôi phục sau kỳ thi.”

Động thái trên khiến nhiều học sinh bất ngờ và hoang mang. Một số người dùng Weibo than thở: “Tôi không thể sử dụng DeepSeek, đành phải tải lại ChatGPT. Hy vọng tất cả các bạn đều phải vào học đại học!”.

Động thái mạnh tay này diễn ra sau khi Trung Quốc công bố loạt biện pháp chống gian lận mới hồi tháng trước, bao gồm kiểm tra thiết bị kỹ thuật số, nhận dạng sinh trắc học và chặn tín hiệu vô tuyến tại các điểm thi.

Trung Quốc sử dụng loạt biện pháp chống gian lận trong kỳ thi đại học.

Dư luận Trung Quốc chia rẽ trước những biện pháp mới. Một số người ủng hộ, cho rằng đây là “bước đi táo bạo nhưng cần thiết” để bảo vệ công bằng học thuật. Một người dùng mạng xã hội viết: “Khi 13 triệu học sinh cạnh tranh quyết liệt, chỉ một kẽ hở công nghệ cũng đủ phá vỡ sự công bằng". 

Ngược lại, nhiều ý kiến lo ngại việc siết chặt kiểm soát chỉ khiến học sinh càng tìm cách gian lận tinh vi hơn. Một người bình luận: “Điều này chỉ khiến họ nảy sinh nhiều chiêu trò mới để qua mặt giám sát.”

Bên cạnh việc tạm dừng AI, nhiều trường học còn sử dụng hệ thống giám sát AI để phát hiện các hành vi khả nghi như thì thầm, chuyền giấy, liếc nhìn hay sử dụng thiết bị cấm. Tại tỉnh Giang Tây, các trường sẽ xem lại toàn bộ camera trong phòng thi để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, không ít sinh viên đại học bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng việc tạm dừng chức năng AI làm gián đoạn quá trình học tập và ôn luyện của họ.

Học sinh bước vào địa điểm thi tuyển sinh đại học tại Bắc Kinh ngày 7/6. Ảnh: Xinhua/Gao Jie

Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với gian lận thi cử. Từ năm 2016, nước này đã ban hành luật hình sự cho phép phạt tù lên tới bảy năm và cấm tham gia các kỳ thi quốc gia trong ba năm đối với những trường hợp bị phát hiện gian lận.

Năm 2018, sáu người đã bị kết án từ 20 tháng đến bốn năm tù vì tổ chức một đường dây gian lận tinh vi, sử dụng thiết bị phát - thu không dây để đọc và gửi đáp án cho thí sinh trong phòng thi.

Gaokao được xem là thời khắc quan trọng nhất của học sinh Trung Quốc, khi hàng triệu em phải cạnh tranh quyết liệt để giành suất vào đại học - con đường được coi là tấm vé thoát nghèo và vươn lên trong xã hội, đặc biệt đối với học sinh ở các vùng nông thôn.

Tin nổi bật