Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề thi HSG Văn ở TP.HCM nói về tuổi trẻ chông chênh, đọc thôi mà thấy "choáng váng"

(DS&PL) -

"Tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương" là chủ đề thi HSG Văn ở TP.HCM, thoạt nghe đã thấy được độ lắt léo của đề bài, nhất là với những học sinh đang tuổi 18.

"Tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương" là chủ đề thi HSG Văn ở TP.HCM, thoạt nghe đã thấy được độ lắt léo của đề bài, nhất là với những học sinh đang chập chững tuổi 18.

Sáng 17/3, học sinh lớp 9 và lớp 12 tại TP.HCM bước vào kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm 2021. Trong đó, đề thi Văn của lớp 12 được đánh giá hay, sáng tạo.

Năm nay, đề tài được Sở GD&ĐT lựa chọn để thử thách khả năng cảm thụ văn học của các bạn học sinh là về "tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương".

Chủ đề này thoạt nghe đã thấy được độ lắt léo, nhất là với những học sinh vừa mới chập chững bước chân vào tuổi 18.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tại TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động 

Trong câu đầu, một đoạn tâm sự của một người trẻ đã được trích lược, nội dung cụ thể như sau:

"Tôi lớn lên trong một thời đại mà môi trường sống bị hủy hoại, khí hậu biến đổi, dịch bệnh hoành hành. Những vấn nạn ấy khiến mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa người và người bị đứt gãy.

Tôi lớn lên trong một thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mọi thứ, công nghệ hiện đại dần thay thế con người trong mọi lĩnh vực. Thực trạng ấy khiến con người mất niềm tin vào bản thân, nơm nớp nỗi lo "bị thay thế".

Tôi lớn lên trong một thời đại mà các giá trị sống, các quy chuẩn đạo đức, các quan niệm xã hội thay đổi, va chạm nhau đến nảy lửa. Những thay đổi và xung đột khiến con người hoang mang, mất phương hướng.

Tuổi 18, một tuổi trẻ chông chênh và lo lắng."

Theo đó, yêu cầu được đặt ra là: Học sinh có đồng ý với suy nghĩ trên không và viết bài văn để đối thoại với bạn trẻ ấy.

Câu 2 chiếm 12 điểm yêu cầu học sinh từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi: Trong thời đại nhiều thay đổi như hiện nay, tác phẩm văn chương có ý nghĩa nâng đỡ tâm hồn con người như thế nào?

Có thể nhận thấy rằng, đề bài tuy ngắn mà "khó nuốt" bởi ngoài khả năng viết ra, học sinh cũng phải có kiến thức nhất định về các tác phẩm văn chương, có được góc nhìn riêng của bản thân và phải có ít nhiều trải nghiệm trong cuộc sống.

Nhận định về đề, nhiều giáo viên tại TP.HCM cho hay, đề thi học sinh giỏi nhưng vẫn bảo đảm ma trận, cơ cấu các phần theo khung đề thi, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Người Lao Động dẫn lời Thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn văn sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đề thi năm nay nhằm mục đích để học sinh lớp 12, các em vừa tròn 18 tuổi là lứa tuổi sắp bước vào đời thể hiện cách nhìn về cuộc sống, thời đại, và nhìn nhận lại chính bản thân mình.

Cách nhìn đó có thể khác bạn trẻ trong văn bản của đề thi vì bạn trẻ đó chỉ nhìn thấy những mặt tiêu cực nên mới thấy chông chênh.

Trong khi đó, nếu nhận ra trước những thay đổi của thời cuộc, trước những khó khăn, con người, nhất là người trẻ càng phải tin vào bản thân, đồng thời tích lũy kiến thức, kỹ năng để vững vàng trước những sự thay đổi đó.

Cùng nhận xét về đề bài trên, thầy giáo Vũ Thanh Hòa, giáo viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội) nhận xét với Tri Thức Trực Tuyến, đề thi có sự thống nhất về chủ đề giữa hai câu. Theo ông, đề thi đủ "mạnh" để học sinh thỏa sức sáng tạo và bày tỏ quan điểm của bản thân.

Tuy nhiên, thầy giáo cũng bày tỏ sự lo lắng đề thi tương đối dài, học sinh sẽ không đủ thời gian để nêu hết ý tưởng cho bài viết.

Đặc biệt, ở câu số 1, đề thi nêu lên 3 vấn đề là biến đổi khí hậu, cách mạng công nghệ 4.0 và các giá trị đạo đức.

Nếu đề thi chỉ tập trung vào một vấn đề duy nhất, học sinh sẽ có đủ thời gian để tạo ra một "cuộc đối thoại" rõ ràng, đầy đủ hơn.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật