(ĐSPL) – Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, để đạt mục tiêu của đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân như mong muốn, cần thời gian và chi phí rất lớn.
Sáng 16/11, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XIV về 3 nhóm vấn đề gồm đổi mới giáo dục, quản lý chất lượng đào tạo và đổi mới thi cử.
Trong phiên chất vấn, là người đầu tiên đặt câu hỏi với Bộ trưởng GD-ĐT, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề cập đến đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, với kinh phí khoảng 9.400 tỷ đồng với mục tiêu đưa ngoại ngữ thành thế mạnh của học sinh - sinh viên Việt Nam có đạt mục tiêu?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Trả lời đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, về đề án dạy học ngoại ngữ không đạt được mục tiêu. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài và liên quan tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Bộ GD-ĐT đang cố gắng đưa ra lộ trình, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề về thời gian, kinh phí, do vậy Bộ xin nhận trách nhiệm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, để đạt mục tiêu như đề án mong muốn, cần thời gian và chi phí rất lớn. Bộ GD-ĐT gần đây đã tiến hành rà soát để điều chỉnh về cách tiếp cận. Đề án không phải chịu trách nhiệm đào tạo ngoại ngữ cho tất cả đối tượng vì như thế không khả thi. Chương trình nội dung phải thống nhất, biên soạn hệ thống, trong đó tính hội nhập quốc tế chứ không phải biên soạn theo năng lực các thầy các cô.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng không phải cứ đặt mục tiêu đến năm 2035 phổ cập tiếng Anh là sẽ đạt được. Đơn cử như Singapore, để phổ cập tiếng Anh cho người dân phải mất tới 38 năm.
Không thể ngày một ngày hai xoá mù tiếng Anh, cần thời gian, nhưng nếu không có quyết tâm, lộ trình và bước đi thì không thể đạt mục tiêu, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Cũng tại nghị trường chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về quyết tâm của Bộ trưởng để nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết dạy thêm học thêm, bạo lực học đường..., Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dạy thêm học thêm là tự thân, chỉ tránh tràn lan không đúng mục tiêu. Bộ có các hướng dẫn, chỉ thị để uốn nắn việc này đúng hướng. Đến nay, vấn đề dạy thêm học thêm có xu hướng đi vào ổn định, nhưng luôn tiềm ẩn hiện tượng dạy thêm học thêm miễn cưỡng. Bộ sẽ sát sao, cùng địa phương, nhất là Sở tăng cường giám sát.
Tuy nhiên giải pháp này chưa phải là gấp, mà quan trọng là chỉnh lại chương trình cho gọn nhẹ. SGK đang được rà soát lược bỏ nội dung không phù hợp, không cần thiết hoặc nội dung trùng lặp để chương trình nhẹ hơn, hợp lý hơn. Đề nghị địa phương phối hợp giám sát mạnh hơn để chấn chỉnh dạy thêm học thêm biến tướng.
Còn về bạo lực học đường là vấn đề gây bức xúc, có thật và có hướng gia tăng. Số sinh viên, học sinh có hành vi bạo lực là bộ phận nhỏ nhưng làm cho xu hướng đạo đức lối sống của một bộ phận có nguy cơ không kiểm soát được.
Theo Bộ trưởng Nhạ, nguyên nhân thì có nhiều, có gia đình, xã hội... nhưng trách nhiệm của Bộ nhận đầu tiên là giáo dưỡng ngay từ nhỏ, học đạo đức, giáo dục công dân. Việc đưa giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp vừa qua có một số ý kiến, nhưng quan điểm là có thi thì trường mới dạy và có học. Thứ 2 là lịch sử cũng đưa vào. Đối với học sinh phổ thông thì học toàn diện. Giáo dục công dân sẽ góp phần giảm bạo lực học đường.
Nhân Văn
Video đang được xem nhiều nhất:
[mecloud]acnRg3Qhvs[/mecloud]