Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Day dứt hai chữ “bình an” cho những số phận bị chối bỏ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Từ khi những thông tin “động trời” được dư luận biết đến, nhiều nhà hảo tâm đã có ý định cắt viện trợ cho những người bất hạnh ở đây.

(ĐSPL) - Loạt bài điều tra về những chuyện tày trời tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Đồng Tâm (gọi tắt là trung tâm), đã vén bức màn bí mật và tội ác của người quản lý Lương Thanh Nhàn (tên thường gọi là Hoàng).
Nhưng cũng có điều đáng buồn là từ khi những thông tin “động trời” được dư luận biết đến, nhiều nhà hảo tâm đã có ý định cắt luôn viện trợ cho những người bất hạnh ở trung tâm này.
Khi "những người khốn khổ" hứng tai ương
Chúng tôi về lại trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Đồng Tâm (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) trong một buổi trưa nắng gắt. Vừa đặt chân xuống trung tâm, các em nhỏ tíu tít chạy ra đón. Quang cảnh trung tâm bây giờ được ông Phạm Văn Ngữ quan tâm giám sát chặt chẽ nên từ sinh hoạt đến vệ sinh đều nề nếp, gọn gàng sạch sẽ.
Chị Nguyễn Thị Linh, một người dân gần đó phấn khởi: "Ngày xưa ông Hoàng trực tiếp quản lý, tôi đi qua trung tâm mùi hôi bốc lên nồng nặc. Nay được bác Ngữ thường xuyên đến chỉ đạo, trung tâm sạch sẽ, các cháu nhỏ và người già cũng được vệ sinh sạch sẽ hơn".
Ông Ngữ đang tiếp nhận cụ Nhơn vào ngày 31/3.
Dù mặt ngoài là vậy, nhưng sâu xa của câu chuyện vẫn còn nhiều chuyện buồn. Cụ Trần Thị Tư, một người được trung tâm nuôi dưỡng ở đây hơn ba năm rồi ngậm ngùi nói: "Tôi cũng thấy không khí trung tâm chẳng còn u ám nữa, ai cũng vui vẻ hồ hởi. Nhưng nghe đâu, vì ông Hoàng mà người ta chẳng còn thương chúng tôi, nhiều người trước đây vẫn đến làm từ thiện cho chúng tôi nhưng đưa tiền cho ông Hoàng, họ mất niềm tin. Giờ họ bảo sẽ cắt, chúng tôi buồn lắm. Vẫn biết là bác Ngữ lo cho, nhưng bác ấy cũng vất vả khi nuôi gần 200 người, chứ đâu phải ít. Chuyện này ông Hoàng ông ấy có lỗi chứ bác Ngữ và mọi người ở trung tâm này có lỗi gì đâu phải không cô?".
Khi nghe được cụ Trần Thị Tư nói vậy, ông Phạm Văn Ngữ mới ngại ngần chia sẻ: "Tôi chưa từng nói với ai về vấn đề này, mấy ngày gần đây, nhiều Mạnh Thường Quân đã từng đưa tiền cho ông Hoàng tỏ ra thất vọng, họ còn nói sẽ không ủng hộ cho trung tâm. Thực ra, việc nuôi cơm ngày hai bữa cho những người ở đây tôi có thể lo được. Từ trước tới nay, ngoài sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm được chút ít, còn mọi thứ tôi lo hết. Thú thật với cô, cơm không thôi thì dễ lắm, nhưng tiền thuốc mới là quan trọng. Ở đây toàn trẻ con và người già, trước khi vào đây cuộc sống họ cơ cực nên thể trạng cũng yếu. Tổng số người là 150 thì có đến 70 người tâm thần, số còn lại cũng là người già và trẻ con, tiền thuốc thang là không thể tính hết được".
"Bây giờ, việc ông Hoàng làm ảnh hưởng đến cả trung tâm, tôi đành gánh chịu. Thấy cảnh các cụ các em như thế, tôi cũng đau lòng lắm, việc người ủng hộ thì giảm đi. Như việc lãnh đạo công ty TNHH Hoa Sen, một doanh nghiệp từng song hành với trung tâm mấy năm qua, đã không còn tin khi ông Hoàng sai phạm, bởi họ nói, tình thương của họ bị lợi dụng. Tôi cũng chỉ mong mọi người hiểu và thương các cháu. Người ủng hộ thì giảm, nhưng người đến xin nương nhờ thì vẫn tăng lên từng ngày. Nhiều khi thấy có người đến, tôi thấy điều kiện không cho phép cũng muốn từ chối nhưng thương họ nên đâu đành lòng bảo họ đi, họ đi thì chỉ có chết đói hay vật vờ ngoài đường ngoài chợ thôi".
Nơi dừng chân của sự bất hạnh
Ông Ngữ vừa dứt lời thì trước cổng trung tâm xuất hiện một người đàn ông chở một cụ già đến, ông Ngữ tận tình ra đến cửa hỏi han. Đó là cụ Nguyễn Thị Nhơn (82 tuổi, ngụ Trảng Bom, Đồng Nai), cụ chẳng có gì ngoài một cái giấy báo mất chứng minh nhân dân. Cụ Nhơn mồ côi từ nhỏ, đi bán vé số, bây giờ cụ ốm đau, chẳng thể lê lết đi được nên cụ nhờ anh xe ôm đưa cụ đến trung tâm để xin nương tựa. Bằng giọng ân cần, ông Ngữ hướng dẫn nhân viên làm hồ sơ nhận cụ vào.
 
Cụ Ứng đang chăm sóc bé Chuột nhắt.
Cụ Nhơn không có người thân con cái, phải gửi thân mình vào đây đã đành, cụ Ứng  (84 tuổi, ngụ Định Quán, Đồng Nai) có tới 9 người con nhưng khi cụ ngã gãy chân thì con cái đưa cụ vào trung tâm gửi. Cụ Ứng nghẹn ngào nói: "Lúc đầu tôi cũng buồn, nhưng giờ nhìn có bé Chuột nhắt này để chăm sóc nên tôi thấy đỡ hơn rồi". Cái cô bé mang tên Chuột nhắt, đôi mắt ngơ ngác bám vào cụ Ứng, như muốn tìm một hơi ấm thiêng liêng gọi là tình mẫu tử.
"Sự tích" về Chuột nhắt cũng là một câu chuyện dài, Chuột nhắt khi mới sinh ra được vài ngày thì bị mẹ bỏ rơi dưới chân cầu An Sương trong một đêm khuya khoắt. Một người dân thương tình đã đưa Chuột nhắt về trung tâm gửi gắm. Khi mới vào, Chuột nhắt "nhỏ như cái bóng đèn", chắc cũng cảm nhận được thân phận của mình, nên Chuột nhắt dù suốt ngày đau bệnh vẫn rất ngoan. Khi nào cũng ngồi bên cụ Ứng, đến bữa cho ăn thì ăn, đến giấc thì ngủ, chẳng bao giờ khóc hay vòi vĩnh.
Đáng thương hơn là cháu Lương Mục Đồng (khoảng 12 tuổi, bởi chẳng ai đoán được tuổi bé), cậu bé tâm thần nặng đang ở trong trung tâm. Vào một đêm mưa tháng 7/2008, người ta nghe tiếng khóc thét của một đứa trẻ ngoài cổng trung tâm. Mọi người chạy ra thì thấy bé Đồng được ai đó bỏ nằm vật vã dưới mưa, bên tay trái buộc một túi ni lông có tờ giấy ghi "nhờ trung tâm nuôi giùm, tôi không còn khả năng nuôi con". Dù là đứa trẻ khiếm khuyết, nhưng trong sâu thẳm mình, Mục Đồng vẫn cảm nhận được mình bị chính mẹ ruột bỏ rơi, nên em cứ khóc mãi đến mấy đêm liền.
Xin đừng quay lưng với nỗi đau       
Cụ Trần Thị Cúc (72 tuổi, ở Tánh Linh, Bình Thuận) vẫn có chồng con, nhưng chồng cụ đã bỏ cụ đi lấy vợ trẻ đẹp, để lại mình cụ với đứa con trai bệnh tật. Khi bị người chồng phụ bạc, cụ đau đớn đến tột cùng, mọi tình yêu thương đều đổ dồn vào đứa con trai duy nhất, nhưng chỉ một năm sau khi người chồng bỏ đi, đứa con trai mà cụ xem là tất cả cuộc đời mình nó cũng bỏ cụ ra đi vì bệnh quá nặng. Từ đó, cụ buồn bã lang thang đi khắp nơi, ai thuê gì làm nấy, miễn là có miếng cơm qua ngày. Nhưng sức khỏe yếu, cụ chẳng thể làm nổi việc gì, trong một lần đi xin ăn, có người tốt bụng đã chở cụ vào trung tâm.
Thầy Đỗ Gia Quân, người quản lý mới của trung tâm chia sẻ: "Tôi là người tự nguyện vào đây chăm sóc những bệnh nhân tâm thần. Ngoài việc quản lý chúng tôi còn phải lo vệ sinh cho 70 người tâm thần. Mỗi buổi sáng tôi tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân cho từng người một, có người tâm thần nhẹ còn tự mình đi vệ sinh được, còn nhiều người lại không ý thức được điều đó nên có ngày dọn cả mấy lần, tôi chẳng lấy một xu tiền lương. Nhìn các mảnh đời ấy tôi thương lắm, bác Ngữ bác ấy già rồi, con cái cũng đang vất vả mưu sinh, mà bác ấy vẫn bỏ công sức và tiền bạc ra vì những mảnh đời như thế, thì tôi làm bấy nhiêu đó cũng chẳng có gì mà kể công. Nhưng chỉ mong các nhà hảo tâm hiểu cho hoàn cảnh trung tâm mà thương các cụ già, những người tâm thần và các em nhỏ côi cút, thương lắm chị ạ".
Công tác chấn chỉnh hoạt động trung tâm đã được tiến hành
Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo huyện Thống Nhất cho biết, sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng chấn chỉnh lại trung tâm. Đưa hết những người trong trung tâm đi khám chữa bệnh tổng quát. Hướng dẫn cơ sở lập hồ sơ quản lý chặt chẽ các nhân sự. Hướng dẫn đăng ký khai sinh, khai tử. Đồng thời, tiến hành quét dọn vệ sinh. Hiện nay, trung tâm đã đi vào hoạt động có quy củ, được giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Dù vậy, việc Hoàng vi phạm pháp luật, vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của trung tâm. Trong việc này, cá nhân Hoàng có lỗi đã có pháp luật trừng trị. Nhưng các các cụ già neo đơn và các cháu mồ côi vẫn rất cần được sự động viên, chia sẻ và tấm lòng hảo tâm của những người làm từ thiện.

Tin nổi bật