Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đầu tư tài chính, núp bóng đa cấp: Nhà đầu tư hay chim mồi?

(DS&PL) -

Khi chúng tôi chuẩn bị vốn đầu tư một mã tài chính, công ty thay đổi chính sách đầu tư khiến những người tham gia đầu tư các mã tài chính trước đó đều không nhận được lãi

Khi chúng tôi chuẩn bị vốn đầu tư một mã tài chính, công ty T.R.V. lại thay đổi chính sách đầu tư, những người tham gia đầu tư các mã tài chính trước đó đều không nhận được tiền lãi lẫn tiền vốn.

Đồng thời, người tham gia đầu tư phải quy đổi tiền sang cổ phiếu. Lúc này, người tự xưng nhà đầu tư cũng công bố rút ra khỏi công ty, không tiếp tục tham gia.

Đổi chiến lược kinh doanh trong nháy mắt

Trước đó, để được ông T. tư vấn cho những mã cũng như cách tính lợi nhuận, PV liên hệ với nhiều người đã tham gia đầu tư. Tuy nhiên, họ đều là người mới, chưa hiểu rõ bản chất của quá trình trên. Do vậy, họ mời chúng tôi đến công ty để ông T. đứng ra tư vấn với cương vị là “nhà đầu tư lâu năm, có nhiều hệ thống F”.

Trong mắt mọi người, ông T. được coi là nhà đầu tư lớn, với số tiền góp vốn đầu tư lên đến vài trăm triệu đồng. Chỉ có điều, tất cả những những thành tích đầu tư, lợi nhuận của ông T., chúng tôi chỉ nghe qua lời nói, quảng cáo bằng miệng của ông và những người bạn.

Các nhà đầu tư tích cực mời gọi khách hàng tư vấn đầu tư.

Sau hơn 1 tháng gặp gỡ, suy ngẫm về cách đầu tư tài chính, chúng tôi ngỏ ý với chị T.T.H. (35 tuổi, ngụ TP.HCM, người đã tham gia đầu tư) tham gia mã ID 5 triệu đồng để trở thành cấp dưới của chị.

Lúc này, chị H. mới thú nhận, bây giờ, công ty không trả tiền cho khách hàng nữa do một số khó khăn trong quá trình kinh doanh. Bản thân chị cũng đang rất hoang mang khi số tiền gốc chưa thu về được 1/3, bất ngờ công ty lại có thông báo thay đổi chiến lược đầu tư.

Chia sẻ nỗi niềm đầy lo lắng, chị H. kể: “Trước đó, có người bạn tự khoe tham gia đầu tư tài chính với lãi suất cao trong thời gian ngắn. Nghe qua, tôi tin tưởng nên bỏ ra số tiền 25 triệu đồng đầu tư. Sau khi có mã số ID, mỗi ngày tiền về tài khoản của tôi khoảng 450.000 đồng. Thấy lợi nhuận dễ dàng, tôi tiếp tục rủ thêm bà con tham gia làm cấp dưới, vừa để mọi người có lời, vừa để mình hưởng các khoản tiền hoa hồng kinh doanh”.

Thế nhưng, sau 2 tuần nhận tiền lời cộng tiền vốn về tài khoản, chị H. phát hiện tiền không tiếp tục được chuyển vào nữa. Để tìm hiểu nguyên nhân, chị gọi điện cho ông T. hỏi thì nhận được câu trả lời, công ty ngừng hợp tác đầu tư tài chính, chuyển qua giai đoạn hai – đầu tư chứng khoán. Nói xong, chị H. thở dài cho biết trước khi tham gia, ông T. nói rất nhiều về quyền lợi giúp nhà đầu tư sớm lấy vốn, lấy lãi.

“Nhưng ngay khi biết công ty chuyển qua đầu tư chứng khoán, chúng tôi thấy không khả quan nên đề nghị bán mã ID để quy đổi thành tiền thì không ai mua. Không những thế, ông T. còn công bố mình dừng đầu tư tại công ty T.R.V., để mọi người tự tìm cách gặp một số nhân viên của công ty quy đổi tiền đầu tư ra chứng khoán. Cho đến nay, hơn nửa năm rồi, chúng tôi chỉ biết mình có mã ID đầu tư tại công ty là chứng khoán mà không được một đồng tiền nào về tài khoản”, chị H. cho biết thêm.

Những “nhà đầu tư” đồng cảnh ngộ với chị H. nhận định, chiến lược đầu tư chứng khoán là cách mà doanh nghiệp thay đổi để động viên an ủi những người góp vốn.

“Việc khi nào những tờ chứng khoán được quy đổi ra tiền để “nhà đầu tư” thu lại vốn thì không ai dám chắc. Doanh nghiệp không bỏ trốn, không phá sản mà vẫn còn ung dung hoạt động kinh doanh, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi”, một nhà đầu tư ngán ngẩm nói.

Chị H. lo lắng: “Điều khiến chúng tôi buồn lo nhất chính là không biết khi nào công ty sẽ có hướng giải quyết trả lại vốn đầu tư tài chính cho những người đã hợp tác. Còn việc, họ hứa hẹn chờ đợi thì vẫn chỉ trên lời nói, giấy tờ. Bây giờ tìm gặp những “nhà đầu tư” đã dẫn dắt, giới thiệu mình vào hệ thống, khó hơn lên trời”.

Phủi tay, chối bỏ trách nhiệm

Rất nhiều người như ông T., khi đứng ra tư vấn cho khách tham gia đầu tư tài chính, họ đều tỏ ra hết sức năng nổ, phấn khởi. Thế nhưng, ngay khi công ty có thông báo dừng đầu tư tài chính dù chưa hết thời hạn 100 ngày hợp đồng, những người này thẳng thừng tuyên bố không còn “dính dáng tới công ty”. Họ phủi tay, chối bỏ trách nhiệm với cấp dưới, các F hệ thống của mình. Qua đó, dư luận đặt nghi vấn, có không ít một bộ phận “nhà đầu tư” không tham gia đầu tư tài chính tại công ty T.R.V. mà chỉ là “cò mồi”.

Những điều khoản hợp đồng ràng buộc khách hàng.

Những “cò mồi” này mời gọi người khác tham gia để móc nối với một số cá nhân thu tiền lợi nhuận bất chính. Sau khi có được thành tích, họ “cao chạy xa bay” bỏ mặc những người được mời gọi đầu tư.

Qua một số trường hợp chúng tôi gặp gỡ, có nhiều người đã tham gia đầu tư qua người quen vì sự tin tưởng. Họ ở xa, lại lớn tuổi không thông hiểu thủ tục giấy tờ pháp lý trong đầu tư tài chính nên đã giao tiền cho những người đến tiếp cận, tự xưng là “nhà đầu tư” như ông T.. Tới thời điểm hiện tại, họ chỉ còn nhận được những lời hứa suông từ phía người mời tham gia đầu tư hoặc rơi vào tình cảnh bị công ty nợ cả vốn lẫn lời.

Bà Vũ Thị Chuyên (50 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi tham gia đầu tư gói 25 triệu đồng qua cô cháu gái của bà bạn. Thấy bà bạn tham gia đầu tư ngày nào cũng có tiền về tài khoản, tôi nghĩ họ làm ăn chân chính nên cũng tham gia. Gửi tiền xong, tôi mới nhận thông báo của công ty cho biết đã thay đổi hình thức đầu tư. Việc trả tiền lãi cũng phải thay đổi theo. Tính từ đó tới nay, tôi chỉ nhận về tài khoản được vài trăm ngàn đồng”.

Cũng theo bà Chuyên, để nhiều người mắc vào bẫy “đầu tư”, phía công ty đã tạo ra chiến lược mời gọi rất hấp dẫn. “Theo đó, chỉ một thời gian ngắn, khoảng 100 ngày thay vì bỏ tiền ngân hàng tiết kiệm thì rút ra cho công ty mượn sẽ được trả gần gấp đôi tiền gốc. Nghe nói lợi nhuận như vậy, có ai không muốn. Cho đến thời điểm bây giờ, tôi mới nhận ra thực chất việc trả tiền lời quá phi lý, cao hơn cả cho vay nặng lãi”, bà Chuyên cho biết thêm.

Tiếp đó, bà này đưa ra một bản hợp đồng hợp tác đầu tư cho chúng tôi xem. Trong đó, có phần điều khoản chung ghi chú “Hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư kinh doanh chia lợi nhuận theo ngày được ký kết giữa công ty với nhà đầu tư là dạng hợp đồng dựa trên tinh thần tự nguyện, đàm phán chi tiết hai bên cùng có lợi...”.

Theo như bản hợp đồng đã quy định, những trường hợp như bà Chuyên, chị H. đều công nhận việc đưa ra quy định “đàm phán” này đánh tráo khái niệm, “vi phạm hợp đồng” mà phía công ty đang thực hiện. Bởi, phía công ty đã ngừng trả lãi và tiền vốn cho nhà đầu tư nhưng lại quy về lý do công ty thay đổi chiến lược kinh doanh để “đàm phán” giữ vốn của người đầu tư.

Tiến thoái lưỡng nan

Cũng trong bản hợp đồng đầu tư mà công ty T.R.V. đưa cho nhà đầu tư giữ còn có thêm nội dung: “Trong thời gian hợp đồng hiệu lực, nếu có vấn đề phát sinh tranh chấp thì hai bên cùng bàn bạc giải quyết. Nếu không giải quyết được bằng việc hòa giải, sự việc sẽ đưa ra tòa án kinh tế TP.HCM.

Quyết định cuối cùng của tòa án, bên nào sai sẽ chịu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Với nội dung trên, liệu có bao nhiêu nhà đầu tư nhỏ với các gói 5 triệu đồng, 25 triệu đồng mang đơn kiện ra tòa án để đòi quyền lợi. Hơn nữa, quá trình kiện tụng thường diễn ra khá lâu. Cho nên việc mọi người chấp nhận phương án “chờ đợi” phía công ty trả tiền đầu tư vẫn là cách được lựa chọn, dù khá mơ hồ, không tưởng.

(Còn nữa)

Nhóm PV
Đăng theo báo giấy Đời sống & Pháp luật số 111

Tin nổi bật