Trúng gói thầu yêu cầu cao hơn báo cáo?
Hiện nay, không ít các doanh nghiệp cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu,...Tuy nhiên, việc này khó có thể qua mắt được đơn vị chấm thầu do sau khi đấu thầu qua mạng, đơn vị trúng thầu phải mang những hồ sơ gốc để đối chiếu, thông thường là báo cáo thuế và các hợp đồng xây lắp tương tự đã được nghiệm thu.
Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu luật Đấu thầu cũng như các tài liệu liên quan, phóng viên được biết, vào ngày 31/3/2022, Giám đốc ban Quản lý dự án (QLDA) Điện lực miền Nam Đào Hòa Bình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói 09: Cung cấp và xây dựng lắp đặt VTTB toàn trạm, bao gồm tính toán chỉnh định rơle, lập phương thức đóng điện, vận hành và xử lý sự cố, hệ thống camera giám sát, PCCC. Gói thầu này được phê duyệt theo Quyết định số 125/QĐ-AĐLMN.
Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Năng Lượng Việt (sau đây gọi tắt là công ty Năng Lượng Việt – PV), MST: 0311876216; địa chỉ:106/45/30 đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Giá trúng thầu là 54.646.333.016 đồng (Bằng chữ: Năm mươi tư tỷ, sáu trăm bốn mươi sáu triệu, ba trăm ba mươi ba nghìn, không trăm mười sáu đồng). So với giá dự toán 55.933.814.251 đồng (Bằng chữ: Năm mươi lăm tỷ, chín trăm ba mươi ba triệu, tám trăm mười bốn nghìn, hai trăm năm mươi mốt đồng).
Quyết định số 125/QĐ-AĐLMN.
Nghiên cứu E-HSMT của gói 09, một trong những điều kiện cần đánh giá trực tiếp là doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng. Mẫu số 13B - các tiêu chí năng lực và kinh nghiệm - yêu cầu nhà thầu kê khai số liệu tài chính theo báo cáo tài chính từ năm 2018 đến năm 2020 phải thỏa mãn “Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng tối thiểu là 83.900.000.000 đồng, trong vòng 3 năm gần đây”.
Yêu cầu E-HSMT về phần doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng ở gói 09 kể trên.
Dữ liệu công khai trên cổng thông tin Quốc gia về đấu thầu cho thấy, trong vòng vài năm gần đây, gói 09 tại ban QLDA Điện lực Miền Nam là gói thầu có giá trị lớn nhất mà công ty Năng Lượng Việt tham gia.
Điều đáng nói, tại gói thầu thi công xây dựng công trình “Thay MBA T1-25MVA thành 40MVA trạm 110kV Ninh Hải”, do công ty Điện lực Ninh Thuận làm chủ đầu tư, nhà thầu Năng Lượng Việt đã ghi rõ trong E-HSDT (hồ sơ dự thầu – PV): “Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng trong 3 năm 2018, 2019, 2020 là 37.166.666.666 đồng” (Bằng chữ: Ba mươi bảy tỷ, một trăm sáu mươi sáu triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng). Gói thầu này đã được Giám đốc công ty Điện lực Ninh Thuận Đỗ Nguyên Hưng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho công ty Năng Lượng Việt với giá trúng thầu là 18.623.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười tám tỷ, sáu trăm hai mươi ba triệu đồng) tại Quyết định số 834/QĐ-PCNT ngày 20/8/2021.
Một số gói thầu mà công ty Năng Lượng Việt tham gia có giá trị từ cao xuống thấp. Ảnh chụp màn hình.
Có thể thấy, theo báo cáo doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng 3 năm 2018, 2019, 2020 của công ty Năng Lượng Việt là hơn 37,1 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều yêu cầu của Gói 09 là 83,9 tỷ đồng.
Để rộng đường dư luận, đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước năng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, phóng viên đã liên hệ trao đổi thông tin với ban QLDA Điện lực miền Nam nhưng không nhận được phản hồi.
Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng trong 3 năm 2018, 2019, 2020 của công ty Năng Lượng Việt (Trích báo cáo đánh giá tổng hợp tại gói thầu thi công xây dựng công trình: “Thay MBA T1-25MVA thành 40MVA trạm 110kV Ninh Hải” do công ty Điện lực Ninh Thuận làm chủ đầu tư.
“Rất cần thiết làm rõ điều bất thường này”
Trao đổi với phóng viên về nội dung nêu trên, ông Bùi Văn Phương, nguyên Ủy viên ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận: “Có thể trong yêu cầu của chủ đầu tư, ngoài vấn đề doanh thu từ hoạt động xây dựng sẽ có thêm các điều kiện khác đi kèm. Để kết luận là đúng hay sai, có gian lận hồ sơ hay không, công tác chấm thầu có vấn đề không thì cần phải xem xét kỹ toàn bộ hồ sơ liên quan”.
“Theo tôi, về việc này, chủ đầu tư là ban QLDA Điện lực miền Nam đã công khai các thông tin trên cổng thông tin Quốc gia về đấu thầu, như vậy nếu ai tham gia vào quá trình đấu thầu đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Còn nếu đúng như thông tin phóng viên phản ánh mà không có các điều kiện đi kèm khác, công ty Năng Lượng Việt với mức doanh thu từ hoạt động xây dựng kém xa so với yêu cầu trong E-HSMT của ban QLDA Điện lực miền Nam mà lại trúng thầu thì đúng là một vấn đề bất thường.
Việc này sẽ khiến dư luận đặt dấu hỏi vì sao năng lực tài chính không đạt so với yêu cầu của E-HSMT như thế mà lại trúng thầu. Tôi nghĩ chỗ bất thường này chắc chắn cần thiết phải làm rõ, cái chính là để dư luận không còn nghi ngờ hay thắc mắc. Trường hợp thông tin phản ánh là đúng thì việc thanh tra, kiểm tra sẽ rõ sai phạm ở khâu nào, ai phải chịu trách nhiệm, xử lý theo quy định pháp luật. Còn nếu thông tin chưa đúng thì việc làm rõ cũng là cách để “minh oan” cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị chấm thầu”.
Liên quan đến thực trạng gian lận hồ sơ dự thầu nói chung, ông Phương bình luận thêm: “Chuyện làm đẹp hồ sơ để nâng cao khả năng tham gia vào dự án là một thực tế. Nhưng chủ đầu tư thì khó có đủ chuyên môn để xem xét việc này. Vì vậy, đơn vị dự thầu trung thực, đơn vị chấm thầu công bằng, công tâm là những yếu tố rất quan trọng. Chuyện “chân thật chân giả” trong đấu thầu cũng không hiếm gặp. Có thực trạng câu kết, dàn xếp với nhau, “quân xanh, quân đỏ” để được trúng thầu.
Theo tôi, cần có một cơ quan độc lập, có chức năng, có tính pháp lý để giúp chủ đầu tư thẩm định tính chính xác, trung thực của nhà thầu, ràng buộc về mặt pháp lý với đơn vị thẩm định, đơn vị chấm thầu, tránh việc gian dối, móc ngoặc, chia chác quyền lợi với các bên. Nếu đơn vị chấm thầu làm công khai, minh bạch, rõ ràng thì sẽ khó có câu chuyện ưu ái, móc ngoặc. Đơn vị chấm thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra tình trạng thiếu khách quan, thiếu công tâm hoặc có sự câu kết”.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Hậu – công ty Luật FDVN cho rằng: “Trong sự việc nêu trên, việc xác định có hay không có hành vi lựa chọn nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm cần phải trải qua việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện việc lựa chọn nhà thầu không phù hợp pháp luật thì bên đã vi phạm phải chịu các chế tài xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp nếu quá trình xác minh phát hiện có vi phạm hoạt động đấu thầu thì tùy hành vi, tính chất vi phạm mà có các chế tài xử lý như: kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Cũng theo vị luật sư này, nếu thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Người thực hiên hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù đến 20 năm và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng cục Quản lý đấu thầu thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư từng trả lời báo chí: “Thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu đã bị khởi tố, có những hành vi gian lận diễn ra cách đây nhiều năm vẫn bị xử lý.
Đây sẽ là áp lực buộc các chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền không nương nhẹ trong xử lý với hành vi vi phạm về đấu thầu của nhà thầu như trước. Bởi nếu nể nang, không xử lý thì chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về quá trình tổ chức đấu thầu.
Theo quy định, hồ sơ dự thầu có thể được lưu giữ tới 10 năm sau khi kết thúc việc lựa chọn nhà thầu. Vì thế, hành vi gian lận, không trung thực trong việc kê khai năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu (nếu có) vẫn được lưu giữ nhiều năm ở các chủ đầu tư/bên mời thầu và có thể bị truy cứu trách nhiệm”.
Ngọc Bảo – Duy Trung