(ĐSPL) Sự ra đời của luật Đấu thầu 2013 được xem như là "luật gốc" về đấu thầu, bởi nó quy định toàn bộ hoạt động đấu thầu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống từ xây dựng, y tế, môi trường, mua sắm công... Đầu xuân mới, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng cục Quản lý đấu thầu - bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có cuộc trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề được xem là mới mẻ này.
Triệt tiêu hành vi gian lận
Theo ông, luật Đấu thầu năm 2013 đã khắc phục được những nhược điểm gì của luật cũ?
Luật Đấu thầu năm 2013 có rất nhiều điểm mới về phạm vi điều chỉnh, phương thức đấu thầu, phương pháp đánh giá hồ sơ, quy trình xử lý khiếu nại, tố cáo, ưu đãi cho nhà thầu... Theo đó, thủ tục hành chính trong đấu thầu được đơn giản hóa. Bổ sung thêm một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu, phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp, nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước. Riêng với đấu thầu thuốc, Luật bổ sung hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác theo quy định của Chính phủ.
|
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng cục Quản lý đấu thầu. Ảnh: Thành Long. |
Thực tế cho thấy, trong nhiều gói thầu liên quan đến mua sắm công, vì nhiều lý do tế nhị, bên mở thầu tự ý đưa ra nhiều rào cản nhằm triệt tiêu những người tham gia đấu thầu (ví dụ: Doanh nghiệp phải có giáo sư, tiến sỹ, nhà xưởng rộng hơn 2.000m2…?!). Điều này gây tổn thất rất lớn về kinh tế cho Nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Chúng tôi đã tiến hành xử lý nhiều vi phạm liên quan đến đấu thầu. Pháp luật đấu thầu cũng có nhiều quy định để hạn chế vi phạm trong đấu thầu. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định chung cho các gói thầu, không quy định cụ thể cho một gói thầu riêng lẻ. Ngay trong hồ sơ mời thầu có đưa ra những quy định không được đưa ra yêu cầu cao quá mức yêu cầu của gói thầu. Trong trường hợp này, nếu người tham gia đấu thầu phát hiện ra những rào cản, họ phải lên tiếng với cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế nếu có vi phạm, doanh nghiệp kiến nghị, chúng tôi sẽ xử lý.
Cụ thể, với những hành vi gian lận sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu. Đồng thời quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu được quy định gồm: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận; cản trở; không đảm bảo công bằng, minh bạch; tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Chuyển nhượng thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.
Những kỳ vọng vào “cái nhấp chuột”
Được biết, trong những năm tới, cục Quản lý đấu thầu sẽ phối hợp với nhiều cơ quan quản lý Nhà nước triển khai hoạt động đấu thầu qua mạng internet (đấu thầu điện tử). Phải chăng đây là xu thế tất yếu của thế giới, mà Việt Nam phải hướng tới?
Luật Đấu thầu dành hẳn một chương quy định về đấu thầu qua mạng. Theo tôi, đấu thầu điện tử sẽ bí mật hơn rất nhiều, tạo sự minh bạch, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và tất yếu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động đấu thầu. Chỉ cần một cái nhấp chuột là chúng ta có thể mua được hồ sơ mời thầu qua mạng. Ngồi ở nhà, hàng trăm người có thể tham gia đấu thầu cùng một lúc không phải tốn tiền đi lại. Ngược lại, cũng chỉ một cái bấm chuột, bên mời thầu có thể loại hàng trăm đơn vị không đủ điều kiện tham gia dự thầu. Chúng tôi sẽ đưa lộ trình triển khai đấu thầu điện tử trong những năm tới.
Đấu thầu qua mạng có thể giúp rút ngắn quy trình nhưng sẽ khó tránh khỏi những hạn chế, thưa ông?
Theo nhận định của chúng tôi, khó khăn lớn nhất trong đấu thầu điện tử chính là nhận thức về mặt tư tưởng, quyết tâm chính trị (vì nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi cá nhân của người có liên quan đến hoạt động đấu thầu). Vì lợi ích chung của đất nước, chúng ta phải vượt qua tất cả để hoạt động đấu thầu ngày càng minh bạch, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế như các nhà làm luật trông đợi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tránh tình trạng khép kín trong đấu thầu Về trách nhiệm của những người có thẩm quyền, dường như vẫn chưa được nhắc đến nhiều, thưa ông? Luật mới có thêm quy định chặt chẽ về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tránh tình trạng khép kín trong đấu thầu. Một bước tiến mới trong Luật Đấu thầu năm 2013 chính là tăng cường, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Cụ thể Luật bổ sung quy định về yêu cầu giám sát cộng đồng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, trách nhiệm giám sát của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu, để có cơ sở xử lý vi phạm tương ứng với hành vi vi phạm. |
PV