Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đầu nậu dụ dân nghèo thuê “đất cấm” để trục lợi, chính quyền không biết?

(DS&PL) -

Gần 20 hộ dân ở Bình Định tin lời đường mật của "đầu nậu" đã khăn gói lên Gia Lai thuê đất trồng dưa hấu để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Gần 20 hộ dân ở Bình Định tin lời đường mật của "đầu nậu" đã khăn gói lên Gia Lai thuê đất trồng dưa hấu để phục vụ dịp Tết Nguyên đán đang phải điêu đứng khi biết mình bị lừa thuê phải đất cấm. Người dân đang lo lắng còn chính quyền lúng túng chưa có phương án xử lý thì "đầu nậu" hả hê đút túi hàng trăm triệu.

Hàng chục héc- ta đất công bị đầu nầu cho máy móc cày xới tung tóe để cho thuê trục lợi.

Dân điêu đứng vì cả tin

Những ngày đầu tháng 11, theo nguồn tin riêng của PV báo ĐS&PL, tại khu vực lòng hồ Ia Mơ xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai), "đầu nậu" là người dân bản địa thi nhau vơ vét, xâu xé chiếm đoạt đất công.

Sau khi "xí phần" được đất công để làm của riêng, họ cắm cọc, khoanh vùng đánh dấu "lãnh địa" đưa máy móc vào cày xới đất, rồi đưa ra những lời ngon ngọt, lừa dân nghèo ngoại tỉnh thuê lại với giá cao nhằm trục lợi. Với miếng mồi béo bở đã làm sẵn là những héc ta đất màu mỡ, đầu nậu đã lừa được nhiều hộ dân ngoại tỉnh sập bẫy.

PV đã có mặt tại khu vực lòng hồ Ia Mơ để ghi nhận sự việc. Theo quan sát của PV, tại khu vực lòng hồ hàng chục lán trại tạm bợ của người dân được dựng lên, xung quanh là hàng chục héc ta đất trống bị cày xới. Tại một số khu vực, cây dưa đã bắt đầu nhú mầm xanh. Theo tìm hiểu, tất cả lán trại này là của người dân nghèo từ Bình Định khăn gói lên Gia Lai thuê đất trồng dưa phục vụ Tết Nguyên đán.

Trò chuyện với PV ông Trần Minh H., 45 tuổi, ngụ Bình Định cho biết: "Tôi được người quen giới thiệu và cho số điện thoại của chị Lý (trú xã Ia Mơ) có nhiều đất cho thuê để canh tác. Sau đó, tôi đã gọi điện thoại trực tiếp liên hệ thỏa thuận với bà Lý để thuê đất với giá 20 triệu/ha (đất đã san ủi, gần lòng hồ). Sau khi thương lượng thành công, tôi thuê xe, chở dụng cụ đồ đạc từ Bình Định lên dựng lán trại để trồng dưa. Tôi lên đây dựng lán trại canh tác được hơn 1 tháng, dưa đã xuống giống, sắp nảy mầm. Ngoài tôi ra, còn có khoảng 20 hộ dân khác cũng từ Bình Định lên thuê đất tại khu vực này, đều là anh em bà con hàng xóm".

Ông H. than thở: "Nghe anh em giới thiệu, tôi khăn gói lên đây làm ăn. Chi phí đầu tư hơn 1 tháng qua tốn kém không đếm xuể. Mấy hôm nay, mọi người ở đây đứng ngồi không yên khi nghe tin mình bị lừa thuê phải đất cấm. Chúng tôi là những người nghèo khó, ở quê không có đất canh tác nên mới phải lên tận nơi biên giới khô cằn này để làm ăn. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt, công sức, tiền bạc..., sống cảnh tạm bợ nơi rừng rú hơn 1 tháng qua giờ nguy cơ tay trắng".

Bà Nguyễn Thị H., quê Bình Định ngao ngán: "Mấy hôm nay nghe mọi người bàn tán, đất mình đang thuê canh tác cấm nên tôi rất lo lắng. Bỏ ra cả đống tiền thuê đất, tiền thuê xe vận chuyển đồ đạc, dụng cụ phân tro, máy bơm, ống nước tận từ Bình Định lên nơi hẻo lánh này giờ phải làm sao đây. Chúng tôi là những người lao động chân chính, làm ra đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí đổ cả máu để mưu sinh. Vậy mà giờ nghe tin bị lừa thuê phải đất cấm, chúng tôi không biết xoay Sở thế nào".

Theo bà H., cũng thông qua người quen giới thiệu bà gặp gỡ bà Lý thỏa thuận thuê 3ha đất tại lòng hồ với giá 12 triệu/ha (đất loại 2) nằm đầu trên hơi xa nước nên rẻ hơn những chỗ khác. Cũng theo bà H., thời điểm thương lượng thuê đất, bà Lý đảm bảo đất cho thuê đã được chính quyền địa phương cho phép. Các thủ tục pháp lý, bà Lý đã làm việc với chính quyền xã, huyện, lo trọn vẹn, sau khi giao tiền thì thoải mái làm ăn không có vấn đề gì. Vì tin tưởng bà Lý nên các hộ thuê đất chỉ thỏa thuận bằng miệng, giấy tờ viết tay do hai bên tự ký không thông qua chính quyền địa phương.

Lộ mặt "đầu nậu"?

Để làm rõ vấn đề này PV đã trao đổi ông Nguyễn Văn Hòa, Phó ban Quản lý dự án thủy lợi Ia Mơ, ông Hòa cho biết: "Đơn vị là cơ quan Nhà nước không có chuyện cho một cá nhân, hay cơ quan tổ chức nào thuê lại đất để kinh doanh cả. Việc mà người phụ nữ tên Lý đứng ra cày xới cho người dân tỉnh khác đến thuê là việc làm sai trái, rõ ràng là lừa đảo. Sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã tìm gặp bà Lý để làm rõ vấn đề.

Qua làm việc, bà Lý thừa nhận đã cho máy cày san ủi, cày xới hơn 30ha đất của đơn vị quản lý rồi đi cho người dân thuê lại. Việc bà Lý cho thuê đất, thu tiền bất chính, tổng số tiền là bao nhiêu, đơn vị đang tiếp tục làm rõ".

Tuy nhiên khi PV thắc mắc, diện tích đất lòng hồ do đơn vị quản lý nhưng để cá nhân tự ý mang máy vào cày xới hơn 30 héc ta nhưng đơn vị không hay biết? Hơn nữa, việc 20 hộ dân ngoại tỉnh vào dựng lán trại ăn ở, canh tác hơn 1 tháng qua, đơn vị cũng không nắm được, liệu công tác quản lý có vấn đề gì?

Ông Hòa phân trần: "Do lực lượng cán bộ mỏng, diện tích lớn nên anh em không kiểm soát hết được"!

Về phía địa phương, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, cho biết: "Sau khi kiểm tra xác minh có 17 hộ dân từ tỉnh Bình Định lên thuê đất dựng lán trại tại lòng hồ để trồng dưa. Qua xác minh, xã nắm được người tự ý chiếm dụng đất cho người dân thuê thu tiền bất chính là bà Lê Thị Lý. Hiện tại lãnh đạo xã đang triển khai cho lực lượng công an xã nắm thông tin có bao nhiêu hộ dân đã đưa tiền cho bà Lý.

Hồ Nam

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 181

Tin nổi bật