Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đau lòng nghịch tử dựng chuyện bắt cóc để đòi tiền chuộc từ cha

(DS&PL) -

Thua cờ bạc không có tiền trả, Nguyễn Đức Thắng đã nghĩ ra màn kịch bị bắt cóc để lấy tiền của cha. Sau nhiều lần lừa cha, nghịch tử đã lấy được gần 1 tỷ đồng.

Thua cờ bạc không có tiền trả, Nguyễn Đức Thắng đã nghĩ ra màn kịch bị bắt cóc để lấy tiền của cha. Sau nhiều lần lừa cha, nghịch tử đã lấy được gần 1 tỷ đồng.

Nhận được tin báo, cơ quan công an đã nhanh chóng tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định việc Thắng bị bắt cóc là giả nên mời Thắng đến trụ sở công an làm việc.

Tại cơ quan điều tra, Thắng khai nhận do thua cờ bạc dẫn đến thiếu nợ nhiều người nhưng không có khả năng trả nợ nên đã dựng chuyện bị bắt cóc để cha trả nợ giúp mình. Thắng còn khai nhận với phương thức trên, Thắng đã nhiều lần gạt cha mình, lấy gần 1 tỷ đồng.

Vẫn phạm tội dù lấy tiền của cha

Nêu quan điểm về vụ việc, luật gia Nguyễn Văn Hùng cho hay: Việc Nguyễn Đức Thắng hoang báo, dựng chuyện bị bắt cóc, khiến cha mình phải đến cơ quan công an trình báo gây ra nhiều phiền phức.

Vì chuyện này mà người cha có thể bị xử lý vi phạm hành chính vì “báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013.

Nguyễn Đức Thắng tại cơ quan công an.

Thắng dàn dựng câu chuyện mình bị bắt cóc đồng nghĩa với việc tự biến mình thành con tin nhằm chiếm đoạt tài sản của chính cha mình. Vì cơ quan công an vào cuộc kịp thời, lật tẩy màn kịch của Thắng nên ông Tuấn mới không phải giao nộp 90 triệu đồng. Nhưng trước đó, cũng với chiêu tự bắt cóc này, Thắng đã nhiều lần gạt cha mình lấy gần 1 tỷ đồng. Sự việc trước đó có thể chưa bị xử lý là do gia đình không tố cáo với cơ quan công an.

Với vụ hoang báo mới đây, có thể thấy Nguyễn Đức Thắng thực hiện hành vi với lỗi cố ý, có mục đích rõ ràng, buộc cha mình phải giao nộp tài sản để chiếm đoạt. Hành vi của Thắng đã đủ yếu tố cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc chưa lấy được tài sản nằm ngoài ý muốn chủ quan của đối tượng.

Đồng quan điểm truy cứu hành vi Nguyễn Đức Thắng về tội Cưỡng đoạt tài sản, luật sư Bùi Thị Hiệp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích: Ngoài những dấu hiệu về chủ thể phải đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội Cưỡng đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội này. Hành vi của Thắng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của cha mình, xâm phạm đến quan hệ sở hữu được pháp luật bảo vệ.

Khác với tội Cướp tài sản là “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc”, cưỡng đoạt tài sản là đe dọa “sẽ dùng vũ lực”, tức dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Đặc trưng cơ bản của tội này là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng thủ đoạn làm cho người này lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.

Với những dấu hiệu trên, hành vi của Thắng đã đủ yếu tố cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản. Chiếu theo quy định tại khoản 1, Điều 170, đối tượng có thể đối mặt với hình phạt tù từ 1 đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trái với quan điểm của các luật sư đồng nghiệp, luật gia Nguyễn Thị Ánh Hồng - Thạc sĩ chuyên ngành luật Hình sự, khoa Luật, đại học Quốc gia lại cho rằng, hành vi của Nguyễn Đức Thắng có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015. Bởi lẽ để cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có các dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ việc này, Thắng đã thực hiện thủ đoạn gian dối bằng cách dựng màn kịch mình bị bắt cóc để nhằm đòi tiền chuộc từ chính cha mình. Việc đòi tiền chuộc này thể hiện sự cố ý chiếm đoạt tài sản của người bị hại được thực hiện với ý đồ thực hiện đến cùng. Như vậy, theo quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Đức Thắng đã dùng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin giả nhưng làm cho người khác tưởng là thật và giao tài sản cho mình.

Nếu hành vi giao tiền này thành công, đối tượng sẽ dùng số tiền đó trả tiền mua cờ bạc. Như vậy là Thắng đã có hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định đối tượng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Việc chưa chiếm đoạt được tiền nằm ngoài ý chí chủ quan của Thắng. Chiếu theo quy định tại khoản  1, Điều 174, đối tượng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Tuy nhiên, để kết luận chính xác đối tượng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, chịu trách nhiệm về tội danh nào cần phải căn cứ vào kết luật điều tra, xác minh cuối cùng của các cơ quan chức năng”, luật gia Hồng lưu ý.

Thua cờ bạc, lừa cả cha ruột

Người dân xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long chưa hết xôn xao trước việc gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi) có cậu con trai 22 tuổi bị bắt cóc thì lại "ngã ngửa" trước thông tin chính cậu này đã dựng nên màn kịch để lừa cha mình. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Tam Bình hoàn tất hồ sơ để xử lý. Theo thông tin ban đầu, trưa 20/8, Công an huyện tiếp nhận tin báo của ông Nguyễn Văn Tuấn về việc con trai của ông là Nguyễn Đức Thắng (22 tuổi, cùng ngụ địa chỉ trên) bị bắt cóc. Bọn bắt cóc đòi tiền chuộc 90 triệu đồng. 

PHƯƠNG QUẾ
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 102

Tin nổi bật