Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đặt vé máy bay bị sai tên xử lý như thế nào ?

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Việc đặt vé máy bay bị sai tên có thể gây rắc rối lớn khi làm thủ tục bay. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này nếu biết cách xử lý.

Đặt vé máy bay bị sai tên xử lý như thế nào?

Có không ít hành khách đã đặt vé máy bay nhưng không kiểm tra kỹ lại thông tin trên vé dẫn đến sai sót. Tình trạng này thường xuyên xảy ra và gây nhiều rắc rối cho hành khách khi làm thủ tục check-in tại sân bay.

Trên thực tế, đối với một số lỗi nhỏ thì hãng hàng không sẽ hỗ trợ hành khách sửa lại mà không mất phí. Ví dụ, đối với Vietnam Airlines, những trường hợp sau sẽ được miễn phí: Tên không thuần Việt, bị thiếu hoặc thừa tên đệm; Sai thứ tự họ và tên hành khách; Thay đổi tên được Chính phủ nước sở tại công nhận; Sai lỗi do đánh máy hoặc đánh vần; Các trường hợp tên Việt Nam thừa hoặc thiếu chữ “Thị”; Lỗi sai do viết tắt tên; Lỗi sai thông tin về tước hiệu, giới tính.

Tuy nhiên cũng có trường hợp hành khách sẽ phải mất phí để sửa lại thông tin cho chính xác. Tùy theo mức độ, mức phí khoảng từ 300.000 đồng/vé hoặc thu theo phí hoàn vé.

Việc sai tên trên vé sẽ khiến bạn gặp nhiều rắc rối khi tới sân bay để làm thủ tục check-in. Chính vì vậy ngay khi phát hiện ra lỗi sai, bạn cần báo ngay với hãng hàng không hoặc đại lý nơi bạn đặt vé để có phương án giải quyết sớm.

Đặt vé máy bay bị sai tên xử lý như thế nào?

Các hãng bay khuyến cáo, để hạn chế đặt vé máy bay bị sai tên, hành khách cần lưu ý:

Đối với giao diện hệ thống đặt vé máy bay hãng hàng không Vietnam Airlines, ở ô đầu tiên, bạn điền “Danh xưng”, tiếp đến là “Tên đệm và tên”, ô cuối cùng là điền “Họ”.

Đối với hãng Pacific Airlines: Ô đầu tiên bạn điền “Họ và tên đệm”, tiếp theo điền “Tên” và ô cuối bạn cần cung cấp thông tin về “Giới tính”.

Đối với hãng hàng không Vietjet Air, ô đầu tiên bạn điền quý danh, đến ô tiếp theo điền “Họ”, kế tiếp là điền “Tên và Tên đệm”.

Thông thường, đặt vé máy bay trực tuyến thì xác suất bị sai tên sẽ cao hơn. Đặc biệt lỗi phổ biến nhất là sai trật tự họ tên, bởi giao diện và quy định điền họ tên của mỗi hãng lại khác nhau.

Những sai lầm du khách thường gặp khi mua vé máy bay

Mua vé máy bay ngày nay rất dễ dàng, nhưng chính điều đó khiến nhiều du khách không để ý các chi tiết, dẫn đến việc gặp rắc rối tại sân bay. Sau đây là năm lỗi phổ biến.

Thiếu cẩn trọng khi mua vé qua ứng dụng bên thứ ba

Thương mại điện tử phát triển khiến việc mua vé máy bay qua app (ứng dụng trên thiết bị di động) của bên thứ ba trở nên phổ biến. Các ứng dụng này thường xuyên quảng cáo, mời chào với những khuyến mãi hấp dẫn, đánh vào tâm lý ham rẻ của du khách.

Nếu nhìn qua, vé máy bay mua qua app có vẻ thấp hơn vé "chính hãng". Tuy vậy nếu không tìm hiểu kỹ, du khách sẽ chịu nhiều bất lợi, thậm chí phải chi trả số tiền lớn hơn mua trực tiếp của các hãng hàng không. Khi có trục trặc xảy ra với chuyến bay hoặc có nhầm lẫn nào đó trong quá trình mua và sử dụng vé, các hãng hàng không khó hỗ trợ giải quyết. Khi đó, du khách sẽ phải tự liên hệ với bên vận hành app trung gian (nhiều bên không có văn phòng tại Việt Nam), mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí mất tiền oan.

Do đó bạn nên tìm hiểu kỹ ứng dụng đặt vé trước khi "xuống tiền", đồng thời so sánh giá cả, chính sách của ứng dụng đó với website chính thức của hãng hàng không để có thông tin cụ thể.

Không tìm hiểu quy định kích thước hành lý

Hầu hết du khách đi máy bay đều nắm được quy định về trọng lượng hành lý nhưng lại thường không để ý quy định về kích thước. Khi mua vé, họ chỉ quan tâm được mang bao nhiêu kg, mà quên mất rằng nhiều hãng bay còn giới hạn cả chiều dài - rộng - cao của mỗi kiện.

Khi ra sân bay, nhiều du khách "khóc dở mếu dở" vì không biết phải "thu gọn" hành lý kiểu gì, số cân vẫn trong giới hạn cho phép nhưng túi xách quá dài rộng cũng bị hãng từ chối vận chuyển hoặc yêu cầu đóng thêm phí hành lý. Nhiều hãng bay còn trang bị cân điện tử và thước dây cho nhân viên đứng ở cửa lên máy bay. Hành khách dù đã qua được cổng check in vẫn phải quay lại nộp thêm phí hành lý do túi xách, vali quá khổ.

Hãy đọc kỹ quy định hành lý khi mua vé máy bay, kể cả chủng loại, kích thước, trọng lượng đồ được mang theo để tránh rắc rối tại sân bay.

Những sai lầm du khách thường gặp khi mua vé máy bay.

Nhầm lẫn về số kiện hàng được mang lên máy bay

Ít ai chú ý đến quy định về số kiện hành lý được mang theo khi đi máy bay, vì đa phần cho rằng chỉ cần không quá cân là được. Tuy vậy, quy định này rất khác nhau giữa các hãng hàng không. Nhiều hãng quy định rất chặt chẽ và sẽ yêu cầu khách mua thêm phí hành lý nếu vượt quá số kiện.

Cùng một hạng vé phổ thông, có hãng chỉ cho xách tay một kiện duy nhất, có hãng thì cho một vali cỡ cabin và một túi nhỏ. Hãng thì cho phép chia nhỏ hành lý ký gửi thành nhiều kiện khác nhau, miễn là tổng trọng lượng không vượt quá số cân của hạng vé. Một số hãng lại chỉ cho ký gửi một vali duy nhất, cho dù vali nhẹ hơn số cân cho phép rất nhiều nhưng du khách vẫn không được gửi thêm bất kỳ kiện nào khác.

Khi mua vé máy bay, du khách nên đọc kỹ số lượng kiện hàng được xách tay và ký gửi. Nếu thật sự cần mang nhiều đồ thì hãy mua thêm hành lý trước khi ra sân bay vì tại sân bay mọi loại phí sẽ cao hơn.

Không quan tâm đến giờ giấc, thời gian check in

Nhiều du khách thường bỏ qua các thông tin được gửi kèm theo như thời gian bắt buộc có mặt tại sân bay trước giờ khởi hành, thời gian, phương thức check-in. Một số hãng trên thế giới chỉ cho phép check in online để giảm bớt nhân sự tại sân bay và cũng để tiết kiệm thời gian của du khách. Một số nơi lại chỉ cho check in tại sân bay vì tuyến đó không phục vụ check in qua web.

Du khách cần đọc kỹ các quy định check in để chủ động thực hiện, vì nếu check in bị trục trặc, rất có thể bạn bị lỡ chuyến và sẽ tốn thêm nhiều tiền bạc, thời gian. Một số du khách còn bị nhầm lẫn cả giờ bay, nhất là với những chuyến có quá cảnh (transit), bởi không phân biệt được đó là giờ ở quốc gia nào, múi giờ nào. Bạn hãy lưu ý giờ trên vé máy bay luôn là giờ ở sân bay địa phương, nghĩa là nếu bạn quá cảnh ở nước thứ ba thì thời gian quá cảnh được tính theo múi giờ của nước đó.

Để tránh nhầm lẫn, hãy cài nhiều đồng hồ trên điện thoại, tương ứng với các điểm đến của máy bay, và căn thời gian chuẩn xác cho hành trình của mình.

Tin nổi bật