Ông Nam nói: "Trang mạng SleepingInAirports.Net không phải là tổ chức nghiên cứu và xếp hạng độc lập, nhưng nó phản ánh sự đánh giá của hành khách đi máy bay. Họ là khách hàng của các hãng hàng không và sân bay, là người chi tiền mua dịch vụ, sự đánh giá của họ không thể bỏ qua nếu chúng ta cầu thị.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng dịch vụ sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang ở mức tối thiểu nhất - Ảnh: Hàng không Hải Âu |
Đánh giá của họ phản ánh góc nhìn của nhiều hành khách trẻ tuổi, trong đó có "du lịch ba-lô". Những người này chú trọng danh mục các dịch vụ ở một sân bay (như khu nghỉ tiện nghi chờ chuyến bay, nước uống miễn phí, wifi, có nhiều quán ăn không...). Chính đây lại là những thứ mà các sân bay của chúng ta thiếu nhất.
Tôi thấy cách họ đánh giá khá toàn diện, cả về danh mục dịch vụ (cái gì có, cái gì không có) và về chất lượng một số dịch vụ cụ thể. Những thứ họ chê ở hai sân bay của ta cũng không có gì là oan ức cho lắm. Chúng ta cũng thấy thế, biết thế, nhưng không nói ra thôi.
Ở đây có hai vấn đề: chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng con người trong tất cả các mảng hoạt động của sân bay. Bao trùm lên cả hai cái đó là năng lực đầu tư và khả năng quản lý - điều hành sân bay. Nhà ga nhỏ bé, chật hẹp thì không thể có đa dạng dịch vụ, không thể có sự cạnh tranh cung cấp dịch vụ.
Con người thiếu ý thức, kỹ năng thì không thể mang lại chất lượng dịch vụ tốt. Mà con người ở sân bay lại nằm trong rất nhiều tổ chức: cảng hàng không, an ninh hàng không, các hãng hàng không, các công ty phục vụ mặt đất, công an cửa khẩu, hải quan... Nhìn nhận một cách cầu thị thì chúng ta yếu kém về chất lượng trong hầu hết các mảng đó.
* Nếu so với TOP 10 sân bay hàng đầu châu Á thì khoảng cách giữa Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo đánh giá của ông như thế nào, sẽ mất bao lâu để đuổi kịp?
Tôi đi nhiều, thấy nhiều, nhưng chưa thấy có cách gì các sân bay của ta có thể sánh được với các sân bay xung quanh như ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chỉ riêng mỗi việc xếp hàng taxi lộn xộn, chẳng giống ở đâu, đã làm cho nhiều hành khách rất khó chịu.
Nếu nói về khoảng cách giữa TOP 10 sân bay tệ nhất (có hai sân bay của ta) và TOP 10 sân bay tốt nhất châu Á thì khoảng cách rất xa. Tôi cũng chưa hình dung được làm thế nào để các sân bay của ta lọt được vào TOP 10 sân bay tốt nhất khu vực trong 10 năm tới. Vấn đề con người nếu thực sự chú trọng, quyết tâm thì có thể cải thiện được, còn cơ sở hạ tầng sân bay thì nan giải hơn nhiều lần.
* Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạ tầng, chất lượng dịch vụ của Nội Bài, Tân Sơn Nhất hạn chế do 2 nhà ga này quá tải nặng nề. Ông nhìn nhận thế nào?
Tình trạng quá tải mà ông Lê Mạnh Hùng nêu là đúng thực tế. Cách đây hơn 6 năm, tôi đã cảnh báo khả năng sớm "tắc" hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ở hai hạng mục ga hành khách và sân đậu tàu bay. Tình hình đã diễn ra đúng như thế. Các dịch vụ tại các sân bay của ta không thể tối thiểu hơn được nữa, thiếu quá nhiều dịch vụ mà các sân bay khác có như về mua sắm, ẩm thực, giới thiệu văn hoá và du lịch địa phương, nghỉ ngơi, giải trí...
Hành khách phàn nàn về tình trạng độc quyền dịch vụ thể hiện giá tô mì gói, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết liệt chỉ đạo giảm giá mì gói xuống 20.000 đồng, thế là người ta bỏ bán mì gói, mà bán phở và hủ tiếu, những thứ không bị khống chế giá. Nếu mỗi sân bay có mấy quán bán mì, phở, hủ tiếu và ngoài ra còn nhiều đồ ăn khác nữa, họ cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, giá cả, đâu cần các cơ quan nhà nước phải bận tâm về giá tô mì và các đồ ăn khác? Hay như chuyện “hộp ngủ” ở sân bay Nội Bài. Nếu các sân bay của ta có khu nghỉ miễn phí dành cho hành khách đợi chuyến nhiều giờ, có ghế duỗi thẳng cho họ nằm nghỉ, ai còn kêu ca được giá "hộp ngủ" đắt?
Không cơ quan nhà nước nào có thể chạy theo quy định đủ thứ giá dịch vụ ở sân bay. Thế giới chẳng đâu làm như thế. Giải pháp tận gốc phải là sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ, sự đa dạng các dịch vụ và cơ hội lựa chọn của khách hàng trong mỗi một dịch vụ. Muốn thế, các sân bay của ta phải có đủ mặt bằng cho nhiều quán ăn uống từ bình dân đến cao cấp, nhiều quầy bán hàng, phải có khu nghỉ, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác.
* Vậy cơ quan quản lý cần làm gì để cải thiện những “điểm nghẽn” này tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất?
Với nhà ga T2 mới ở sân bay Nội Bài chuẩn bị đưa vào khai thác cuối năm nay, chất lượng dịch vụ ở sân bay Nội Bài chắc chắn sẽ được tăng lên đáng kể. Chỉ còn lại vấn đề con người và tư duy dịch vụ, những cái mà ACV có thể cải thiện được khi có đủ mặt bằng nhà ga. Quỹ đất của sân bay Nội Bài cũng cho phép xây thêm đường băng, nhà ga phía đối diện để mở rộng trong tương lai.
Nhưng với sân bay Tân Sơn Nhất thì rất bế tắc! Tình trạng quá tải nhà ga, sân đậu đã rất nghiêm trọng. Không còn một diện tích trống nào để bổ sung thêm dịch vụ gì nữa. Được biết ACV đang "cơi nới" nhà ga nội địa (không thể xây mới thành hai tầng vì không thể đóng cửa), có kế hoạch "cơi nới" cả nhà ga quốc tế, thêm 20-25 vị trí đậu máy bay bằng đất quân sự, nhưng với tốc độ tăng chuyến bay và sản lượng khách thì những giải pháp này chỉ là muối bỏ biển, được mấy năm lại hết công suất và quá tải. Tôi e sắp tới đến ghế cho hành khách ngồi chờ ra máy bay còn không đủ chỗ để lắp, đừng nói gì đến các dịch vụ khác như ở các sân nay nước ngoài.
Sân bay Tân Sơn Nhất không bao giờ có thể sánh được về chất lượng dịch vụ với các sân bay nước ngoài bằng giải pháp "cơi nới" một công trình đã bị "trói" chặt về quỹ đất và vị trí địa lý.