Chơi ngông, đua đòi, học làm anh chị theo kiểu tạo “thương hiệu” cho riêng mình đã thành mốt mới của những cậu ấm, cô chiêu hiện nay... Chỉ với vài lần chơi ngông, vung tiền lấy “le”, tiếng tăm đã nổi như cồn...
Đẳng cấp của độ oai
Thấy bạn trẻ các nước đua nhau tung clip, hình ảnh các buổi sinh nhật lên blog và các trang web, không ít “cô chiêu, cậu ấm” Việt Nam cũng a dua làm theo. Với họ, đây cũng là cách để thể hiện đẳng cấp.
Bạn H.Yến (21 tuổi), ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Việc tổ chức sinh nhật ở nhà hàng, quán bar, khách sạn năm sao bây giờ đã trở thành lỗi thời. Giờ đây, bọn em có thể tổ chức một buổi tiệc sinh nhật hoành tráng, vui… tới bến ở nước ngoài với nhóm bạn thân. Với em, đẳng cấp của những bữa tiệc sinh nhật không chỉ phụ thuộc vào địa danh được chọn mà còn thể hiện ở tổng số tiền chi là bao nhiêu”.
Yến tâm sự thêm, cách đây không lâu, một người bạn của cô tổ chức sinh nhật ở Hồng Kông. Trung bình một ngày, chi phí cho mỗi bạn (gồm cả ăn chơi, ở) là 700 - 1.000 USD. Đi một nhóm, ít nhất là từ 5 - 7 người, một ngày đã là trên dưới 5.000 USD. Với con số này, chỉ có những cô cậu sống trong gia đình “quý tộc” mới có thể bỏ ra mức chi phí cao như vậy.
Theo nhiều bạn trẻ, những chuyến sinh nhật kết hợp du lịch nước ngoài tuy đắt nhưng “xắt ra miếng”. Một năm mới có một ngày sinh nhật nên các phụ huynh cũng phóng khoáng mở hầu bao chu cấp.
Việc các phụ huynh sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để con cái mình tha hồ tự do bay nhảy ở nơi không có ai quấy rầy, cấm đoán, thậm chí có gia đình còn sẵn sàng thuê hẳn một tour du lịch cho con. Đáp lại sự quan tâm này là việc ăn tiêu bạt mạng của các “cậu ấm, cô chiêu” bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra...
Phan (22 tuổi), ở quận Đống Đa (Hà Nội) đang du học ở nước ngoài, nhân dịp cậu về tổ chức sinh nhật, cả nhóm cùng nhau phóng xe xuống Hạ Long. Bữa tiệc sinh nhật của Phan khiến nhiều người phải thán phục bởi độ chịu chơi của cậu, riêng số rượu tây loại đắt tiền cũng hết 50 chai. Chuyện lấy tiền của bố mẹ mua một lúc 9 chiếc xe SH chia cho cả nhóm cùng nhau phóng xuống bãi biển Hạ Long để làm một bữa tiệc gây xôn xao dư luận, chắc chắn cũng chỉ là một động tác “củng cố độ oai” của cậu.
Học làm anh chị đã trở thành mốt của nhiều bạn trẻ nhằm tạo “thương hiệu” cho riêng mình, chơi phải làm sao cho người khác biết mặt đặt tên, đó là thực trạng báo động trong một bộ phận giới trẻ với suy nghĩ: chơi cho biết, để không thua kém bạn bè.
Một cuộc chơi của các cậu ấm cô chiêu. Ảnh: Internet |
"Phải hống hách kiêu sa”
Cha mẹ sẵn sàng cung cấp tiền bạc cho con em mình nhưng lại thiếu sự quan tâm, chăm sóc, một sự an ủi hay khích lệ. Vì sẵn tiền, họ đã lao mình vào những thói ăn chơi trác táng làm băng hoại bản thân họ.
“ách đây chưa lâu, trên đường Phạm Hùng, diễn ra một cuộc đua xe hơi với những chiếc xe đắt tiền như BMW, Mercedes, Lexus…của các “quý tử”, làm náo động cả con đường lúc 3g sáng. Các tay đua này đều là con các đại gia giàu có, cũng như một số công tử từ tỉnh lẻ lên TP tranh tài, khoe của.
Điều đáng nói là có “quý tử” còn được cha mẹ dùng tiền khoác lên mình cái mác “học sinh du học” vừa trở về. Trong số các tay đua nổi trội hơn cả phải nói đến chủ chiếc Mercedes thể thao đắt tiền nhất.
Lâm (21 tuổi), ở quận Long Biên (Hà Nội) là một điển hình. Do cuộc sống sung túc, được mẹ là một người kinh doanh gỗ giàu có nuông chiều, thích gì mua sắm đó, nên cậu ta sớm tập tành ăn chơi. Dù đã được mẹ bỏ ra hơn 1.000 lượng vàng để mua cho cậu “quý tử” một căn nhà mặt tiền nhưng Lâm vẫn chưa bằng lòng, luôn than vãn vì khoảng sân quá chật hẹp, không đủ chỗ cho bạn bè đến chơi đậu những chiếc xe đắt tiền. Mỗi lần đến quán bar hay vũ trường, cậu đều là tâm điểm của đám nhân viên. Vì, nếu ai may mắn được phục vụ cậu ta, mỗi lần như vậy bồi bàn tiếp rượu đều được Lâm boa 500.000 đồng. Có lần, một nữ sinh viên mới xin vào làm bồi bàn, 3 lần tiếp rượu được boa 1.000.000 đồng.
Cuộc chơi của các cô cậu thành thị là vậy, nhưng cũng không ít các “cô chiêu, cậu ấm” ở các tỉnh cũng mặc sức ăn chơi vung tiền “chơi ngông”. Cùng “xuất thân” ở nông thôn, vào giảng đường ĐH, không ít sinh viên phải “sáng nhịn ăn lên giảng đường, tối về một gói mì tôm”. Nhưng, cũng có những bạn được bố mẹ trang bị các phương tiện đến... “tận răng”.
Là con trai độc nhất nên khi H. Minh đỗ đại học, bố mẹ đã quyết định “tậu cho cậu ngôi nhà trị giá cả tỷ đồng để “con đỡ phải chuyển nhà trọ”. Nhập học chưa đầy tháng, Minh thiết lập được mối quan hệ với bạn hữu cùng trường. Sau giờ lên lớp để xả hơi, cả đám vi vu lên phố xem bóng đá. Những đêm thức trắng, cuồng nhiệt với Champions League, thú vui của cả nhóm là tổ chức cá độ để “hồi hộp” chờ đợi tỷ số. Có những trận Minh thua cả chục triệu đồng tiền bố mẹ cho tiêu xài hàng tháng. Đồ đạc, xe cộ cũng được cậu “gửi tạm” vào các hiệu cầm đồ chờ “ông bà già” lên chuộc về.
Thực trạng đáng báo động
Nói đến trách nhiệm giáo dục con em, không để sa ngã vào cuộc sống chơi bời, buông thả, ngoài sự giáo dục của nhà trường và xã hội thì yếu tố gia đình đóng một vai trò rất quan trọng.
Trong những trường hợp mà chúng tôi nêu trên, lỗi của gia đình không phải nhỏ. Cha mẹ chúng đã góp phần làm hư hỏng con em mình. Có nhiều bậc cha mẹ còn muốn con mình luôn luôn nổi trội hơn bạn bè trang lứa nên biết khả năng của con mình có hạn nhưng họ vẫn muốn dùng tiền để khoác cho con vỏ hào nhoáng trí thức, thường là “du học”. Cái mác “du học” được xem như “chứng nhận vai vế” của gia đình trong “câu lạc bộ những người mới giàu”. Họ đâu có ngờ, những “cậu ấm, cô chiêu” nhà mình đang lao vào những cuộc đỏ đen, những cuộc chơi không có hồi kết...
Khi con cái không được đáp ứng điều gì đó, hoặc do đua đòi, coi mình là “vua” thiên hạ, chẳng may bị pháp luật sờ gáy, chính những ông bố bà mẹ đó lại dựa vào quan hệ của mình để “cứu” con ra. Trong trường hợp vô can như thế, biết bố mẹ mình thừa sức, dư tiền để lo lót mọi chuyện, các “ông trời con” sẽ không ngại gì mà không quậy phá, có khi còn nghiêm trọng hơn!
Trong việc giáo dục, vai trò của gia đình thật quan trọng vì đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà mỗi người tiếp xúc. Và trong mái trường đầu tiên này, cha mẹ là những thầy cô được tín nhiệm hơn cả.
Con đường trở thành một người hoàn thiện, sống có ích cho xã hội và tự hào về chính mình thì dài, nhưng con đường để đánh mất mình và gây ra nhiều hệ lụy thì quá ngắn.
Phụ huynh không hề hay biết và... xem nhẹ Làm một cuộc khảo sát nhỏ với nhiều phụ huynh, thật bất ngờ khi nhiều bậc cha mẹ tâm sự không hề biết gì về thú tiêu tiền của giới trẻ. Có ông bố bà mẹ tỏ ra “sốc” khi biết được sự thể nhưng cũng có lắm phụ huynh tỏ ra rất thờ ơ, xem nhẹ trước thú vui “ngông”của bọn trẻ. |