Nội dung vòng đàm phán thứ ba
RT đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/7 thông báo vòng đàm phán hòa bình trực tiếp tiếp theo giữa Ukraine và Nga sẽ diễn ra tại Türkiye vào thứ Tư (23/7). Tuyên bố được ông đưa ra trong một đoạn video phát trên Telegram.
Moscow và Kiev đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul trong năm nay. Trong cuộc gặp gần đây nhất, hai bên đã trao đổi bản dự thảo ghi nhớ nêu lộ trình chấm dứt xung đột, đồng thời nhất trí về việc tiếp tục trao đổi tù binh.
Trước đó, hãng tin TASS dẫn nguồn tin nội bộ cho biết vòng đàm phán mới có thể diễn ra vào thứ Năm. Tuy nhiên, theo ông Zelensky, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine - ông Rustem Umerov, trưởng đoàn đàm phán của Kiev, đã xác nhận thời điểm tổ chức là thứ Tư.
“Tôi đã bàn với ông Rustem Umerov về công tác chuẩn bị cho việc trao đổi tù binh và một cuộc họp mới với phía Nga tại Türkiye. Ông ấy cho biết cuộc gặp đã được ấn định vào thứ Tư”, ông Zelensky cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RT
Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh rằng chương trình nghị sự lần này của Kiev sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, đặc biệt là trao đổi tù binh chiến tranh và khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định còn nhiều "công việc ngoại giao sâu rộng" cần thực hiện, do các bản ghi nhớ hòa bình mà hai bên đề xuất vẫn "hoàn toàn trái ngược".
Ông Peskov cho biết phái đoàn đàm phán của Nga không thay đổi thành phần và tái khẳng định các điều khoản chính trong bản ghi nhớ của Moscow.
Theo đó, Nga yêu cầu Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson; đồng thời yêu cầu Ukraine rút toàn bộ lực lượng khỏi các khu vực này, cam kết trung lập về quân sự, hạn chế lực lượng vũ trang.
Ngược lại, bản ghi nhớ của Kiev kêu gọi lệnh ngừng bắn vô điều kiện, phản đối mọi áp lực buộc Ukraine từ bỏ quyền gia nhập NATO và yêu cầu các bảo đảm an ninh mạnh mẽ từ các quốc gia phương Tây.
Moscow cũng phản đối đề xuất của Anh và Pháp về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine nếu ngừng bắn được thiết lập, cảnh báo rằng bất kỳ lực lượng NATO nào trên lãnh thổ Ukraine – dù với danh nghĩa gìn giữ hòa bình – cũng sẽ bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Những rào cản từ lập trường đối lập
Sau khi có thông tin về vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine, các chuyên gia cho thấy không mấy lạc quan về khả năng đột phá từ sự kiện này.
Denis Denisov, chuyên gia tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, nhận định lập trường đối lập gay gắt của Nga và Ukraine là vấn đề then chốt.
Tương tự, Andrey Kortunov, chuyên gia của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai (Nga), giải thích rằng nếu mục tiêu chỉ là giải quyết vấn đề theo hình thức của hai vòng đầu tiên, một cuộc họp mới sẽ không đưa các bên tiến gần hơn đến hòa bình vì quyền hạn của các nhóm đàm phán bị hạn chế.
Nhà khoa học chính trị Alexander Nemtsev nhận định với tờ Vedomosti (Nga) rằng Moscow không có ý định xem xét lại lập trường, trong khi Kiev không muốn nhượng bộ. Theo ông, một bước đột phá sẽ chỉ có thể xảy ra khi "Ukraine không còn khả năng tiếp tục kháng cự trên chiến trường".
Ảnh minh họa
Ông Kortunov cũng nhấn mạnh rằng tối hậu thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đạt được thoả thuận ngừng bắn trong vòng 50 ngày khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến Moscow, vì "kinh nghiệm trong quá khứ đã chứng minh, Nga không hề khuất phục trước áp lực".
Ngoài ra, ông Nemtsev dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng tránh xa cuộc xung đột ở Ukraine, dần dần chuyển phần lớn gánh nặng viện trợ cho Kiev sang Liên minh châu Âu. Đức và một số nước Bắc Âu được cho là đã sẵn sàng cho điều đó, nhưng các quốc gia châu Âu khác thì chưa.
Theo đó có thể thấy, triển vọng cho vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine ở cấp độ phái đoàn có vẻ mờ nhạt. Để đạt được một giải pháp hòa bình thực sự, cần có sự thay đổi trong lập trường của các bên.