Đóng

Tên lửa Nga "qua mặt" Rồng lửa Patriot: Ukraine nguy cơ đối mặt khủng hoảng phòng không

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Hệ thống phòng không Patriot của Ukraine ngày càng gặp khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo Nga, làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả và tính khả thi của các gói viện trợ trong tương lai.

Các nguồn tin từ Ukraine và phương Tây cho biết, hệ thống phòng không tầm xa MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất đang ngày càng gặp khó khăn trong việc đánh chặn các đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga.

Phát biểu với The Wall Street Journal, một quan chức Ukraine cho biết các tên lửa của Nga hiện có khả năng cơ động cao hơn, khiến chúng không chỉ tránh được việc bị đánh chặn mà còn thoát khỏi tầm phát hiện của radar.

Mặc dù vị quan chức không nêu rõ loại tên lửa cụ thể, nhiều khả năng đó là 9K720 Iskander – loại vũ khí đã được sử dụng thành công để vô hiệu hóa nhiều hệ thống Patriot kể từ tháng 3/2024.

Hệ thống phòng không tầm xa Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty

Phát ngôn viên Không quân Ukraine, ông Igor Ignat, cũng từng nhấn mạnh trong một tuyên bố ngày 26/5 rằng tên lửa Iskander có khả năng thực hiện các động tác né tránh ở giai đoạn cuối và phóng mồi bẫy, khiến hệ thống Patriot khó có thể phản ứng hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ viện trợ thêm các hệ thống Patriot cho Ukraine, có thể lên tới 17 tổ hợp. Tuy nhiên, do kho dự trữ vũ khí của Mỹ và châu Âu đều trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, một đợt chuyển giao quy mô lớn dường như khó diễn ra trong tương lai gần.

Ông Trump cũng gợi ý rằng một quốc gia châu Âu như Thụy Sĩ có thể đồng ý hoãn việc nhận hàng để ưu tiên giao cho Ukraine.

Dù được coi là tài sản quân sự giá trị nhất của Ukraine với chi phí lên tới 2,5 tỷ USD mỗi hệ thống, Patriot đang đối mặt với nghi ngờ về hiệu quả chi phí.

Mỗi tên lửa đánh chặn sử dụng trên Patriot có giá khoảng 4 triệu USD, trong khi tên lửa đạn đạo Nga chỉ tiêu tốn dưới 1 triệu USD. Hơn nữa, việc phải phóng hai tên lửa đánh chặn để tiêu diệt một mục tiêu càng làm tăng chi phí phòng thủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ viện trợ thêm các hệ thống Patriot cho Ukraine. Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2024, nhiều bằng chứng xác thực đã cho thấy các hệ thống Patriot bị phá hủy bởi tên lửa Iskander-M. Vụ tấn công đầu tiên được ghi nhận vào ngày 23/2 tại Ukraine, tiếp theo là một vụ khác gần Sergeevka vào ngày 10/3. Trong tháng 7, hai khẩu đội Patriot bị phá hủy tại khu vực Odessa, và vào ngày 11/8, ba bệ phóng cùng một radar AN/MPQ-65 cũng được báo cáo là đã bị phá hủy.

Bất chấp các tổn thất liên tiếp, Ukraine và các đồng minh phương Tây gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục viện trợ Patriot, do kho dự trữ S-300 đã bị tiêu hao nghiêm trọng kể từ khi xung đột bùng phát năm 2022.

Trong khi đó, Nga tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất tên lửa Iskander,  gây áp lực lên năng lực phòng không của Ukraine trong giai đoạn sắp tới.

Tin nổi bật