VOV đưa tin, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 người tử vong do bệnh dại. Đây là trường hợp thứ 5 tử vong vì bệnh dại trong năm nay tại Đắk Lắk.
Bệnh nhân là bé gái, sinh năm 2014, dân tộc Xê Đăng, ở buôn Xê Đăng, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar. Theo hồ sơ bệnh án, ngày 1/5, cháu bé khởi phát bệnh với triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, có biểu hiện bứt rứt khó chịu. Gia đình có đi mua thuốc cho cháu uống nhưng không đỡ. Ngày 3/5, cháu được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Cùng ngày, người nhà xin cho bệnh nhân xuất viện. Ngày 4/5, cháu bé tử vong tại nhà.
Nắng nóng là thời điểm dễ bùng phát bệnh dại ở động vật. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Theo người nhà bé gái, cách ngày khởi phát khoảng 1 tháng cháu bị chó cắn vào bàn tay trái và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng 100% cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Khi nuôi chó mèo cần phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
Khi bị chó, mèo cắn cần ngay lập tức cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Ngoài ra cần hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa, thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam.
Thời gian từ lúc nhiễm virus đến khi có triệu chứng đầu tiên sẽ mất trung bình từ 35 tới 65 ngày. Triệu chứng đầu tiên có thể là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo đó là chán ăn, buồn nôn, đau hoặc tê nơi vết cắn, các biểu hiện này có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày.
Sau đó, những triệu chứng ở hệ thần kinh dần xuất hiện, bao gồm bị kích động, lú lẫn và lo lắng kèm theo sự hiếu động thái quá. Người bệnh sẽ có những hành vi bất thường và mất ngủ, chứng ảo giác, sợ nước, co giật cơ và tê liệt cũng có thể xảy ra.
- Đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp)
- Sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài từ 2-4 ngày.
- Chứng sợ nước
- Không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí
- Tức giận, bứt rứt và trầm cảm
- Cảm giác lo lắng, sợ hãi khi thấy cái chết sắp xảy ra
- Tăng động
- Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng
Thời gian bị bệnh dại thường là 2-3 ngày nhưng có thể kéo dài đến 5-6 ngày hoặc dài hơn khi được chăm sóc tích cực.
Đáng tiếc là nếu bệnh dại không được điều trị sớm ngay sau khi bệnh nhân bị nhiễm thì sẽ dẫn đến hôn mê, co giật và tử vong, thường từ 4 đến 7 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu trở nặng.