VTV News đưa tin, ông V.A.N. (trú tại tổ 8, ấp Lợi Hà, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cho biết, ngày 19/4 có 1 con chó hoang khoảng 10kg chạy vào nhà và cắn con của ông N., sau đó con chó đã chết.
Còn tại huyện Vĩnh Cửu, cũng ghi nhận con chó lạ khoảng 15kg, chạy vào nhà ông N.P.L. (trú tại tổ 6, ấp 2, xã Tân An), cắn xé lung tung, rất may con chó không cắn người, sau đó con chó đã được ông L. nhốt lại.
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, 2 con chó dương tính với virus dại.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy chó dại. Ảnh: CDC Đồng Nai.
Trạm Thú y của 2 xã Thanh Bình và Tân An đã tiêu huỷ con chó, tiêu độc khử trùng toàn bộ dụng cụ, chuồng nuôi nhốt và khu vực xung quanh, hố chôn lấp.
Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đề nghị huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu tập trung các biện pháp để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bệnh dại và các quy định phòng, chống bệnh dại, công tác quản lý chó, mèo trên địa bàn. Tại 2 xã có chó dại cần nhanh chóng khoanh vùng, xử lý triệt để không để dịch lây lan rộng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vaccine dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh chưa được tiêm phòng trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 11 ổ dịch trên đàn chó.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai), hiện vẫn còn rất nhiều người cho rằng nhìn vào vết cắn hoặc dùng đồng xu cà lên nơi bị cắn có thể biết được có phải chó dại cắn hay không. Sau đó họ nhờ thầy lang bốc thuốc nam, sắc uống nếu bị chó dại cắn.
Có những người khác lại dùng các loại lá, đất sét... đắp lên vết cắn vì cho rằng làm vậy có thể chữa bệnh dại. Đây là các biện pháp chữa bệnh dại chưa được Bộ Y tế công nhận, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định hiệu quả chữa bệnh của các biện pháp này. Khi áp dụng các biện pháp này chữa bệnh dại không những không mang lại hiệu quả mà còn làm vết thương dễ bị nhiễm trùng.
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong. Do đó, CDC Đồng Nai khuyến cáo người dân tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại khi bị động vật cắn, cào, liếm. Đây là biện pháp tối ưu để phòng bệnh dại, thông tin trên Tạp chí Tri Thức.