Tại Việt Nam có rất nhiều nơi trồng sầu riêng, nhưng khu vực nổi tiếng trồng sầu riêng ngon và cho năng suất cao nhất đó chính là vùng Đắk Lắk. Với điều kiện về tự nhiên, khí hậu, đất đai ở đây rất thích hợp cho cây sầu riêng sinh sôi và phát triển cho trái chất lượng.
Với điều kiện về tự nhiên Đắk Lắk rất thích hợp cho cây sầu riêng sinh sôi và phát triển
Người dân Đắk Lắk có thể trồng được nhiều giống sầu riêng khác nhau, mỗi giống mang một đặc điểm và có nét đặc trưng riêng. Ở Đắk Lắk, diện tích thu hoạch sầu riêng không ngừng tăng lên theo từng năm và cho sản lượng lớn. Sầu riêng Đắk Lắk được người dân ở đây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật và được chăm sóc cẩn thận, chu đáo.
Người dân đang thu hoạch sầu riêng tại Đắk Lắk
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 17.000ha sầu riêng, 15.000ha giai đoạn kinh doanh, tổng sản lượng 140.000 tấn, chiếm 17,6% và đứng thứ hai cả nước về diện tích trồng sầu riêng. Huyện Krông Pắk là địa phương trồng sầu riêng Dona nhiều của tỉnh Đăk Lăk và được đánh giá có chất lượng ngon, năng suất nhất hiện nay với gần 3.800ha; trong đó, 2.600ha cho thu hoạch, doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng năm 2021.
Niên vụ năm 2022, sản lượng sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắk ước đạt gần 50.000 tấn. Theo những người trồng nơi đây, năm nay sầu riêng không đạt sản lượng nhưng bù lại giá bán được 50.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái. Dự kiến thu về cho người nông dân khoảng 2.500 tỷ đồng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nhằm hỗ trợ người trồng sầu riêng, những năm gần đây, huyện Krông Pắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, hợp tác giao thương để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người sản xuất sầu riêng áp dụng những quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng và quản lý vùng sản xuất, vùng nguyên liệu. Các cơ sở chế biến đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mới đây sự kiện Việt Nam xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc đã được tổ chức tại huyện Krông Pắk, đây thành quả của quá trình đàm phán, ký kết nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 7/2022.
Lô sầu riêng đầu tiên này có sự tham gia của 5 doanh nghiệp, tổng cộng 6 container với hơn 100 tấn. Để có được những lô hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn, đáp ứng được tất cả yêu cầu nghiêm ngặt của phía đối tác.
Lô sầu riêng Việt xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc
Đây là một trong những lợi thế rất lớn để sản phẩm sầu riêng của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, là cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam trên thị trường Quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ. Việc tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư đã chứng minh chất lượng sản phẩm sầu riêng của Việt Nam đã được nâng lên.
Chất lượng sản phẩm sầu riêng của Việt Nam ngày càng được nâng lên
Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được và phát huy cơ hội tiềm năng sản xuất, xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, trong thời gian tới, nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng thương hiệu Sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế, đồng thời có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Những trái sầu riêng đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc này, là niềm tin và hy vọng của người nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan, nhằm xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, cùng các nông sản Việt Nam nổi bật trên trường quốc tế. Đây là cơ hội quý giá đối với trái sầu riêng tươi và tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới.