(ĐSPL) - Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những ký ức về trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn rõ như in trong ông. Đó là những ngày vác dây đi nối đường điện, truyền thông tin hoả tốc trong làn mưa bom bão đạn... Trong đó, kỷ niệm về những tháng ngày gian khổ tại chiến khu Việt Bắc, sống và chiến đấu bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì lại càng rõ hơn hết.
Cái duyên làm lính thông tin
Chúng tôi tìm đến thôn Lũng Giang, thị trấn Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vào một ngày nắng gắt. Mới đổi mùa nên nhiều người vẫn còn cảm thấy khó chịu. Được dẫn đường đến tận nơi, chúng tôi khá ngạc nhiên khi chính cụ Chiêm ra mở cửa. Năm nay cụ cũng đã vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Có hỏi cụ, cụ cũng chỉ cười: "Nhờ ơn Bác Hồ, nhờ ơn Bác Giáp mà tôi mới được như thế này. Cũng đã gần cửu thập rồi chứ ít ỏi gì nữa".
Đi bộ đội từ năm 1950, chàng trai đất quan họồ Nguyễn Đình Chiêm được điều động về tiểu đoàn 426 là tiểu đoàn quân báo thuộc Tổng cục 2, chiến đấu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, năm 1951 khi mới chỉ tham gia được vài trận đánh lớn, ông bị thương và được lui về tuyến sau an dưỡng.
Sau hơn một tháng, ông lại đòi ra chiến trường. Tuy nhiên, lúc này đơn vị quân báo đã lùi sâu vào vùng địch, rất khó để có thể bắt lại liên lạc. Đang trong lúc phân vân không biết phải làm thế nào thì cụ Hoàng Đạo Thuý, lúc bấy giờ đang là lãnh đạo cục Thông tin liên lạc, mới biết chuyện. Cụ Thuý bảo: "Muốn đi chiến đấu ngay thì tớ nhận về làm lính thông tin".
|
Ông Nguyễn Đình Chiêm tuy tuổi đã cao nhưng những ký ức về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhớ rất rõ. |
Ông Chiêm được phân công về tiểu đội 3, trung đội 3, đại đội 103, tiểu đoàn 303, cục Thông tin liên lạc, đóng quân cơ động trong an toàn khu (ATK) ở Đại Từ, Thái Nguyên. Đây là khu vực đóng quân của Trung ương Cách mạng. Từ chỗ đơn vị đóng quân di chuyển đến chỗ ở và làm việc của Bác Hồ, Bác Giáp chỉ chừng hơn 1km. Ngoài những lúc đi chiến dịch, mỗi ngày đơn vị ông Chiêm đều phải phân công nhau đi kiểm tra đường dây, nối liên lạc giữa các bộ phận trong ATK và liên lạc tới các chiến khu khác.
Theo phân công, mỗi tuần ông Chiêm phải vào kiểm tra máy và đường dây chỗ Bác Giáp đến hai, ba lần. Có thời gian tiếp xúc nhiều với Đại tướng, ông lại càng kính phục nếp sống, nếp ăn ở của Đại tướng. Tuy rất bận rộn và nghiêm khắc trong công việc nhưng ngoài đời thường, Đại tướng lại rất hoà đồng với anh em chiến sỹ.
Có lần, sau một cuộc họp với chuyên gia nước ngoài, thấy ông Chiêm loay hoay kiểm tra máy, Đại tướng gọi ông lại bảo: "Cậu gói số bánh kẹo này lại về đem chia cho anh em. Lấy khăn bàn mà đựng chứ nhiều thế này cậu cầm sao hết". Thấy chàng lính trẻ băn khoăn, đích thân Đại tướng tự gói lại rồi đưa cho ông Chiêm đem về đơn vị. Anh em thông tin liên lạc hôm ấy được một bữa liên hoan, ai cũng hết lời cảm ơn "thủ trưởng".
Đến năm 1953, đơn vị ông Chiêm được bố trí ngay trong khu vực sở chỉ huy Trung ương Đảng và Cách mạng. Mỗi ngày, họ phải đảm bảo nhận thông tin từ các nơi truyền về thông suốt tới sở chỉ huy và truyền lệnh đi các nơi.
Thời gian này, dù rất bận rộn nhưng Đại tướng vẫn cố gắng dành thời gian luyện tập thể thao thường xuyên với anh em. Có lần, nghe thấy lính hô tập thể dục ngoài sân, Đại tướng mới chạy ra "trách": "Các cậu luyện tập mà không gọi tớ ra cho tớ tập cùng". Lính gãi đầu gãi tai bảo: "Chúng cháu sợ bác bận nên không dám gọi". "Bận thì bận chứ, cũng phải rèn luyện sức khoẻ, không rèn luyện thì lấy đâu ra sức mà chiến đấu!", Đại tướng nhắc nhở.
Trong khu căn cứ có chiếc sân rộng, khi không có động, thỉnh thoảng anh em chiến sỹ vẫn cùng với Đại tướng chơi bóng rổ, chơi xong lại lấy cây, lá để nguỵ trang lại. Lâu lâu không thấy Đại tướng ra sân tập, anh em đều tự biết tình hình chiến sự đang khá căng thẳng.
Suốt từ những năm 1953-1954, đơn vị ông Chiêm thường xuyên phải cơ động đi theo các chiến dịch. Nhiều lần đi hành quân, lính vác đường dây, quân dụng đi trước, xe của Đại tướng đi sau. Đến chỗ nghỉ chân, anh em nghỉ ngơi, Đại tướng cũng xuống nghỉ cùng...
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). |
"Các cậu mừng, tôi thì đau"
Năm 1953, tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, thông tin từ các chiến trường đổ về dồn dập, anh em thông tin phải trực 24/24h. Hễ có bất cứ tin tức gì mới, lập tức họ truyền đến cho ban chỉ huy rồi nhận lệnh, truyền đi tới các trận địa. Lúc ấy, để đảm bảo tính an toàn của thông tin, trong nhiều cuộc đàm thoại trực tiếp quan trọng, Đại tướng và các chỉ huy mặt trận, các lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước phải dùng tiếng Tày, tiếng Nùng, tiếng Thổ, tiếng Thái, tiếng Anh, Pháp để trao đổi với nhau.
Đại tướng còn luôn yêu cầu anh em chiến sỹ đề cao tinh thần chiến đấu, bên cạnh bàn máy phải luôn thường trực giấy bút, thậm chí bút cũng phải kiểm tra có đảm bảo hay không để không có trường hợp nào sai sót có thể xảy ra.
ông Chiêm còn nhớ, trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954, bộ đội ta được lệnh đánh vào sân bay Mường Thanh. Trước lúc xuất quân, Đại tướng có chỉ thị cho anh em chiến đấu cứ vài phút, cùng lắm là 10 phút phải báo cáo tình hình về sở chỉ huy.
Ban đầu, khi trận đánh nổ ra, việc báo cáo diễn ra khá thường xuyên. Nhưng mấy tiếng sau, thông tin bỗng nhiên đứt quãng khiến Đại tướng như ngồi trên đống lửa. Càng chờ càng không thấy thông tin gì báo về, Đại tướng liền bảo anh em kiểm tra máy xem có hư hỏng gì không. Vừa nói, Đại tướng vừa đẩy chiếc máy này qua, lắp điện thoại khác vào, thông tin vẫn không có gì.
Không khí trong sở chỉ huy gần như đóng băng cho tới mãi hơn 30 phút sau mới có tiếng chuông điện thoại báo về quân ta thắng lớn. Hoá ra, anh em chiến sỹ mải đánh trận quá, quên cả điện đàm. Đại tướng lúc này mới thở phào ra: "Các cậu thì mừng còn tôi thì đau. Vừa đau tim, vừa đau đầu, tưởng không thở nổi vì lo lắng".
Ngày 7/5/1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Trung ương Đảng mới cử một xe đến chở Đại tướng vào sâu trong trận địa để kiểm tra. Thấy xe còn chỗ, Đại tướng mới bảo anh em: "Các cậu xem lính thông tin, lính hậu cần, cảnh vệ bố trí người, mỗi bộ phận cử từ một đến ba người đi cùng xe với tớ cho đỡ phí". Phải vác theo nhiều dây nhợ, máy móc nên được "đi ké xe", anh em đơn vị ông Chiêm mừng lắm. Đến khi vào sâu trong trận địa, theo Đại tướng vào hầm Đờ Cát, anh em lại được nghe Đại tướng phân tích về việc bố trí, xây dựng, sự kiên cố của sở chỉ huy địch lại càng thấm thía hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Thủ đô Cách mạng trở về Hà Nội. Đơn vị ông Chiêm cũng về đóng quân ngay cạnh Cột Cờ, đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc của Trung ương Đảng tới các chiến trường cả nước. Mãi đến năm 1964, do yêu cầu mới của Cách mạng, ông chuyển công tác về Thanh Hoá. Đến năm 1980 thì chính thức về hưu, sinh sống tại quê nhà Bắc Ninh.
Chúng ta là lính Cách mạng
Sống gần Đại tướng, anh em bộ đội đều biết tính Đại tướng rất nghiêm, đặc biệt trong công việc phải tuyệt đối nghiêm, không được xảy ra sai sót. ông Chiêm còn nhớ, kỷ luật lúc bấy giờ là bộ đội đi đến đâu cũng phải kính dân, không được tơ hào bất kỳ thứ gì của dân, muốn mượn, muốn xin gì cũng phải được sự đồng ý của người dân trước, đặc biệt không được có những hành động, quan hệ không đúng mực với người dân. Người luôn căn dặn anh em: "Chúng ta là lính Cách mạng, đi đến đâu phải lấy được lòng dân chứ. Chiếm được lòng dân mới thực sự khó".